Bút danh: Hoa Hồng

Thẻ: ca cổ Trang 4 của 16

Sắc Màu Vĩ Nhân

NGÂM THƠ

Dép râu áo vải nâu sờn
Mà sao trí đức phi thường Bác ơi!
Tư tưởng đạo đức sáng ngời
Bình dân cốt cách để đời noi theo.

Con sẽ bắt đầu từ một anh Ba rời bến nhà rồng đi tìm đường cứu nước. Hay từ những gói thức ăn thừa những ngày làm phụ bếp, mang cho người ăn xin nghèo khổ ở ven…

VỌNG CỔ
1- …đường.
Từ cốt cách vĩ nhân tỏa sáng giữa đời thường.
Hay từ đôi tất cũ mèm lủng lỗ, chiếc túi vải bạc màu đôi dép lốp sờn quai.
Từ bữa cơm thương đồng bào độn sắn độn khoai, chiếc máy đánh chữ hay từ một chiếc đài.
Bộ ka ki rách cổ sờn vai, chiếc gối vải đơn hay giường mây chiếu cói.

NGÂM DẶM

Đạo đức của Bác rất gần
Như bông bí như bông bần với quê
Như cha già với con đê
Dang lưng cõng cả lối về nhà nông.

2- Đạo đức của Người gần ta như sợi khói, bếp quê thơm thả bát cua đồng.
Chí công vô tư liêm chính kiệm cần.
Không ở đâu xa mà ở trong tâm thầy giáo trẻ, rời phố thị xin về gieo chữ ở vùng sâu. Ở bác nông dân sản xuất đi đầu, chị khuyến nông đạt chuẩn sao thành tích
Ở anh cán bộ sạch, thanh, liêm khiết, ở người chiến sĩ đêm ngày canh giữ bình yên.

LÝ SON SẮT

Quê Sóc Trăng muôn đời
Luôn khắc ghi ơn người
Người là Hồ Chí Minh
Sen trong bùn mà khiết tinh
Câu nước non ru hời
Kìa non sông trong trái tim người
Ánh mắt như đang cười
Miền Nam luôn trong trái tim người ơi
Giờ đây Bác đi xa rồi
Mà kính yêu vẫn không hề vơi.

5- “Bác coi đạo đức như gốc của cây như nguồn của những dòng sông mang nặng phù sa với bao la tình dân ý Đảng. Bởi cây không gốc thì héo khô sông không nguồn thì cạn mà đạo đức là gốc của người cách mạng vì nước vì dân cống hiến quên…

VỌNG CỔ

1- …mình.
Mảnh đất An Giang thắm nghĩa đượm tình.
Nơi cây đoàn kết đơm hoa cho quả ngọt, nơi có nụ cười đẹp ý Đảng lòng dân.
Nơi hội nhập rộn rã bước chân, nơi ánh mắt nhà nông sáng bừng trên hoa lúa.
Nơi sinh ra một nhà lãnh đạo tài ba lỗi lạc, những tấm kiên trung vì nước hiến dâng đời.

LÝ BÔNG DỪA

Tuy giờ người đã đi xa rồi
Mà công ơn ấy vẫn ghi lòng Bác ơi
Vườn cây đạo đức đâm chồi
Theo bước chân người, cơ đồ chăm bồi chung xây
Toàn dân nô nức thi đua
Quyết tâm học tập gương người Hồ Chí Minh.

(Trở về vọng cổ câu 6)
Ta học ở người lòng thương dân yêu nước
Học cống hiến hy sinh vì Tổ quốc quên mình.

Lãnh tụ cốt cách để đời
Ngôi sao đạo đức rạng ngời năm châu
Bình dân áo vải dép râu
Mà lung linh một sắc màu vĩ nhân.

SẮC MÀU VỸ NHÂN
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Chiếc Tổ Đồng Bằng

LÝ PHƯỚC CHÂU

Nữ: Bên hương rừng thơm mát
Bên hương đồng thoảng đưa

Nam: Bên biển ru dào dạt
Bên kìa núi đứng hiên ngang

Nữ: Bên kìa sông nước mênh mang
(-) (-)

Nam: Trên đồng áo bà ba bay
Nam non gió mơn bờ vai
Hôn lên mắt môi mà say

Nữ: Loang loang – bóng lưng trần ai
Dang trưa – nắng hong bờ vai

Nam: Rừng cùng đồng mạ mới đua xanh

Nữ: Kênh rạch cùng sông uốn lanh quanh

Nam: Là ai thuỷ mặc quê mình nên tranh.

Nữ: Anh ơi! Xứ Miền Tây mưa nắng chỉ hai mùa, mưa khi dày hạt khi thưa, nắng khi vàng vừa, khi cháy khét. Đất lúc ngọt lúc chua lúc hạn lùa khi mặn chát, vậy chứ tình người thảo thơm như hương lúa đương…

VỌNG CỔ

…thì.

Nam: Một bức tranh thuỷ mặc diệu kì.

Nữ: Anh nhìn kìa! Trên tán bần già cỗi, có những công trình đang được nghiệm thu.

Nam: Tiếng của những chú dòng dọc kĩ sư, ríu rít líu lo bên kiến trúc mới hoàn thành.

Nữ: Với công trình từ cỏ mặn xây nên, những chiếc tổ đẹp xinh lung linh trong nắng mới.

VĨ TRĂNG THU

Nam: Vừa qua nứt nẻ da đồng
Vừa qua thiên tai hạn mặn

Nữ: Nhà nông nước mắt lưng tròng
Nhà nông gặt về lận đận

Nam:Bò trâu khát ngắc ngư
Miền tây khổ có dư

Nữ: (về vọng cổ câu 2)
Đã qua những ngày xuồng ghe mắc cạn vào nhau
Qua rồi những trưa trời lời ru nhiễm mặn

Nam: Câu hò đồng xanh lại ngân nga mùi ngọt
Cò lại về đồng vỗ nhịp ca dao.

HÒ NAM BỘ
Nam: Hò ơ . . .
Dù nơi đâu phương trời xa lắc
Đi ta bà vẫn quay quắt nhịp cầu quê

Nữ: Cầu dừa cầu khỉ cầu tre
Gánh hoàng hôn trĩu, mẹ về ngang qua.

Nam: Em ví những chiếc tổ của loài dòng dọc vừa mới được nghiệm thu xây từ cỏ mặn. Như chiếc tổ của đồng bằng sau ngày thiên tai hạn hán được xây bằng cố gắng của bao . . .

VỌNG CỔ

5-…người.
Nữ: Gieo giọt mồ hôi để gặt lại nụ cười.

Nam: Hai cuộc chiến qua đã kiên cường buất khuất, thiên tai khổ nàn vẫn bám đất giữ quê.

Nữ: Người miền Tây luôn chung sức vai kề
Mộc mạc, chân tình, bao dung, hào phóng

Nam: Thương giọt mồ hôi thấm vào cỏ mặn
Để xây nên chiếc tổ đồng bằng.

6-

Nữ: Trong đó có lời tỏ tình mộc mạc như đước như bần

Nam: “Qua me bậu từ hồi mới nhổ chưn lận đó”.
Câu trả lời thiệt thà như cỏ

Nữ: “Vậy sao hổng gặp tía cho rồi để lâu chết duyên tui”.

Nam: Có những dòng sông bên lở bên bồi

Nữ Có vựa lúa ngút cao thơm phù sa châu thổ.

Nam: Có song lang nhịp đồng bằng duyên nợ
Để câu vọng cổ miền tây thêm ngọt thêm mùi.

Nữ: Em yêu chiếc tổ đồng bằng
Từ bao gian khó nhọc nhằn xây nên

Nam: Gần ưa, xa nhớ, ở ghiền
Thương len đầy dạ, yêu nêm chật lòng.

CHIẾC TỔ ĐỒNG BẰNG
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Vựa Lúa

LỐI VÀO PHỤNG HOÀNG (câu 1- 4)

Hễ nhắc đến Đồng bằng sông Cửu Long
Mọi người hay gọi “Đất Chín Rồng”, “Miền Tây”, hay “Vựa Lúa”
Hổng hiểu thì nói tên gì mà sến súa
Khi hiểu rồi thì cái tên nào cũng ý nghĩa đậm…sâu.
Thiệt thà bậc nhứt
Mộc mạc, dễ gần, nghĩa nhân, chân chất
Như tình người tình đất thuỷ chung
Cứ đến thử đi
Đến một vùng quê mưa nắng chỉ hai mùa
Nơi mồ hôi ngào phèn chua mặn mẳn
Mà hạt gạo đồng bằng, cứ thơm bửng thơm bưng.

Ngoại nói cái tên nào cũng ý nghĩa đậm sâu nhưng hổng biết vì sao mỗi khi ai đó gọi xứ Đồng Bằng Sông Cửu Long bằng cái tên “Vựa Lúa”. Là lòng ngoại lại mềm ra như hoa cỏ, như dải mạ non đang dìu dặt gió nam . . .

VỌNG CỔ

1-…lùa.
Cái tên nghe mộc mạc quê mùa.
Đã nghe rồi là đằm sâu trong trí nhớ, nghe chơn chất thiệt thà lại thơm rặt mùi quê.
Hễ gọi đến là thấy no bụng à nghen, no trong nước no tràn sang thế giới.
Vừa gọi lên đã nghe hương vị đồng bằng, hương cần lao hương phù sa châu thổ.

PHỤNG HOÀNG (câu 5 – 8)

Gọi Vựa Lúa ơi!
Là dáng quê đã len chật trong lòng
Bóng mẹ quê úp mặt trên đồng
Vành nón bung, chứ tình người vẹn nguyên lành lặn
Kìa hoa hoa dừa, chung thuỷ với bờ quê
Kìa bóng cha, lưng trần nắng nhuộm
Da trùi trũi đen mà lòng ngọc lòng ngà
Bên áo ba ba, duyên dáng mặn mà.

2- Để có một cái tên thân thương “Vựa lúa”, song hành với “Miền Tây” hay tên gọi “Chín Rồng”.
Bao công sức nhà nông đổ xuống ruộng đồng.
Từ nắng khét lũ giông từ úng phèn ngập mặn, trí tuệ và sức người cải tạo đất hồi sinh.
Xé cái rào bao cấp quẩn quanh, từ cây lúa cứu đói nay vươn tầm thế giới.
Bốn mươi sáu năm từng ngày đổi mới, vựa lúa đồng bằng ngày một ngút cao.

BẮN NHẠN

Người Miền Tây khó khăn không ngại
Khổ gồng vai gánh nước non
Bầu bí luôn thương câu chung giàn
Lòng người hào phóng bao dung
Tình người son sắt thuỷ chung
Ngày là ngày nơi đây
Giông mưa cuồng nộ khổ tràn mi cay
Hầm, rừng, cơm vắt, lung bưng
Cánh đồng rưng rức bom rung
Kiên trung trỗi dậy trong từng người dân
Chung tay đuổi giặc giữ gìn non sông.

5- Thiệt ra xứ Đồng Bằng Sông Cửu Long không chỉ nổi tiếng về “Vựa Lúa”. Còn nhiều Vựa lắm nghen. Vựa thuỷ sản, Vựa trái cây, Vựa nhân nghĩa, Vựa chân…

VỌNG CỔ

5- …tình.
Xứ sở của loài hoa vừa trôi vừa nở hết mình.
Xứ sở của những anh hùng chân đất, móng giắt phèn mà khí phách chẳng thua ai.
Xứ sở của bao lỗi lạc anh tài, xứ sở của những đàn ong biết xung phong đánh giặc. Của chiếc nôi đơn ca tài tử, của niềm tin trong câu vọng cổ ngọt muồi.

LÝ NĂM CĂN

Về đây ngắm cánh đồng quê
Màu xanh quấn lấy chân đê
Đâu đó chảng ba canh khuya
Cò ru khúc ru tình mẹ
Về bên cánh võng tràm đưa
Ầu ơ sớm nắng chiều mưa
Nước đỏ tràn bưng
Thương quá lòng rừng.

(Trở về vọng cổ câu 6)
Hễ ai đó nói chuyến này tham quan “Vựa lúa”
Là biết tới Miền tây hay đất chín Rồng.

Yêu sao Vựa Lúa đồng bằng
Gieo mồ hôi với chuyên cần gặt nên
Mỗi ngày thơm ngọt chất lên
Bên vựa lúa, ta vựa thêm tự hào.

VỰA LÚA
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Mượn Bài Vọng Cổ Cảm Ơn

LÝ PHƯỚC CHÂU

Nam non lùa tươi mát
Mơn man từng chiếc lá me
Ban mai hôn nhè nhẹ
Lên từng mái phố xinh xinh
Lên kìa mắt phố long lanh
(-) (-)
Xem kìa hoa cười nụ tươi
Như cô gái cong vành môi
Khoe duyên để cho đời vui
Ta tóc nay màu mây
Ta đã da mồi đây
Mà lòng còn yêu ngất yêu ngây
Hoa dầu kìa xoay tít bay bay
Dường như phố thị cũng chìm trong mê say.

Vườn trên sân thượng vẫn đủ xanh, sau buổi thể dục dưỡng sinh ta lại tự thưởng mình một tách cà phê và chương trình “Sài Gòn buổi sáng”. Có cả bông khế, bông trang, bông mướp vàng, chỉ thiếu con bướm trắng bay lượn bên hoa cho thêm lãng mạn thêm…

VỌNG CỔ

1- … tình.
Về đi mình ơi ! cùng ngắm cảnh sớm mai của một thành phố thanh bình.
Nhớ mình lòng tui mãi nhớ, và cả đời thương vẫn tràn thương.
Ta xa nhau nay đã chục năm tròn, con nó đi làm tuổi già quẩn quanh bên nách phố. Vậy mà chẳng bao giờ tui thấy cô đơn, nói tới phải cảm ơn đài VOH.

NGÂM DẶM

VOH quá tuyệt vời
Nông thôn thành thị người người đều nghe

Nhớ hồi dưới quê tui xém ghen chứ bộ, hễ mở VOH mình như quên đất quên trời. Quên hẳn có tui hiện diện ở trên đời.
Mình nói mê VOH như nông dân mê đất, món ăn tinh thần đủ chất lại thơm ngon.

(Ca ngâm hơi Lục Vân Tiên)
Cho ta hy vọng tràn đầy
Cho ta kiến thức bề dày niềm tin
Sợi dây liên kết chắc bền
Nối liền Đảng, với chính quyền và dân. (dứt câu 2)

LIỄU THUẬN NƯƠNG

“Thiếu nhi”/ chương trình ý nghĩa
“An Ninh/ đời sống” không người chê
Cải lương/ “bông lúa vàng” hấp dẫn
“Giao thông/ đô thị” nhà nhà mê
“Tường thuật bóng đá” thích ghê
Toàn dân “thời sự” đều nghe
Người thì/ mê “Lá thư xanh”
“Thực đơn/ âm nhạc” “Làn sóng xanh”
Má mê “Sài Gòn buổi sáng”
Út mê “Câu chuyện đêm khuya”
“Sát cánh cùng gia đình Việt”
Tía ghiền “hội nhập nhà nông”
Ghiền luôn “Thành phố lên đèn”
Dường như ghiền hết các chương trình
Đài của lòng dân – đài của niềm tin
Mang tên Bác Hồ Chí Minh.

(Nói dặm)
Nói mình đừng cười tui nghen. Giờ tui mê còn hơn mình hồi đó nhiều.

Tui mê VOH như cây lúa mê ruộng quê cả đời không xa nổi. Vắng một ngày thôi tui như dĩa gỏi sầu đâu thiếu con khô sặc bổi, như trầu thiếu cau như phương Nam thiếu câu . . .

VỌNG CỔ

1- …hò.
Như tô phở miền tây thiếu hương vị của cọng ngò.
Thông điệp được truyền đi bằng thơ nhạc, đưa tiếng nói của Đảng, chính quyền đến với nhân dân.
Từ thiết bị lạc hậu vài chương trình, giờ hiện đại đủ loại hình thu hút.
Bốn mươi lăm năm xới cày chăm chút, VOH hôm nay đã phủ sóng trong lòng người.

6- Cà phê không đường gu mình đó mình ơi! về uống rồi cùng tui nghe “Sài Gòn buổi sáng”.
Mở đầu là thông tin về dịch bệnh, Thành phố của ngày giãn cách đầu tiên.
VOH luôn cập nhật thông tin, chuyển tải đến người dân kịp thời kịp lúc.
Cả nước cùng đồng tâm hiệp nhất, chẳng bao lâu giặc dịch sẽ phải lùi.

Nay mượn lời bài vọng cổ để cảm ơn
Đài tiếng nói nhân dân thành phố mang tên Bác
Bốn mươi lăm năm xới cày gieo hạt
Để có món ăn tinh thần đủ chất cho người dân.

MƯỢN BÀI VỌNG CỔ CẢM ƠN
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Thông Điệp Niềm Tin

Nam: Bà nó ơi…

Nữ: Dạ ơi…Ủa mà chuyện gì chạng vạng chiều ra hàng ba ngồi réo um hết vậy cà?

BẮN NHẠN

Nam: Mời ra đây uống chung trà quạu
Ta cùng ngắm gió ngắm mây
Cùng lắng nghe sóng xô dạt dào
Rằng từ nơi ấy xa xăm
Nồng nàn da diết khúc trăm năm

Nữ: Kì là kì lạ thay
Ủa nay sao vậy? Sóng gì ở đây?
Quê mình núi đứng thong dong
Ruộng đồng bát ngát mênh mông
Biển đâu ra để dạt dào vậy ông?
Sóng đâu vỗ đặng khúc tình trăm năm?

Nam: Ngồi xuống đi, rồi tui kể bà nghe chuyện những cánh sóng luôn dạt dào trong lòng người dân Việt. Những cánh sóng chở tình yêu quê hương tha thiết chở những niềm tin đi khắp ba…

VỌNG CỔ

1-…miền.

Nối nhịp cầu dân, Đảng với chính quyền.

Nữ: Ông nói gì mà tui nghe hổng hiểu, cánh sóng gì mà biết chở niềm tin.

Nam: Còn biết vỗ vào lòng ta tiếng nói của hoà bình, vỗ vào ta lời quê hương đất nước. Thiệt ra sóng bên ta dào dạt mỗi ngày, có lúc bà mê tới quên ăn quên ngủ.

Nữ: (nói) Bữa nay ông sao á, hổng giống tánh ông nào giờ à nghen, hồi đó tỏ tình với tui câu trước câu sau là nói toẹt “Bậu ơi! Thương hổng thương nói phứt, cứ ngần ngừ qua tuổi nửa đời là chết duyên tui”. Sao giờ nói gì hổng nói phứt ra cho rồi, cứ chạy vòng vòng làm tui chóng mặt hà.

2-
Nam: Tại bà chậm tiêu chứ thiệt ra tui nói toẹt, hổng phải chiều nào bà cũng ôm cái radio mải miết rà đài.
Bà “Hội nhập với nhà nông” “Sát cánh cùng gia đình Việt” mỗi ngày.

Nữ: Tại ghẹo ông cho vui chứ sao hổng nhớ, mấy chục năm chung nóc gia chẳng lẽ hổng hiểu ý ông.

Nam: Nay là kỷ niệm bốn mươi lăm năm, ngày thành lập đài VOH, đài tiếng nói nhân dân thành phố mang tên Bác, sao bỗng nghe lòng mang nặng một hàm ơn.

LÝ CON KHỈ

Nữ: Quá xá thương tiếng nói
Như tiếng lòng người dân

Nam: Nghe thấy sao rất gần
Như món ăn tinh thần

Nữ: Lan toả lời tình thân
Tiếng nói vì nhân dân.

Nữ: Để đưa tiếng nói của Đảng của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đi khắp mọi miền đất nước. Bằng nhạc bằng thơ, bằng đủ các loại hình thu hút, có không ít gian nan và công sức của bao…

VỌNG CỔ

5-…người.
Để có được niềm tin và rạng rỡ những môi cười.

Nam: Bao thân tằm miệt mài nhả tơ đóng kén, để sản phẩm tinh thần chạm đến những trái tim.

Nữ: Khi trộn trong ổ tệ nạn lấy tin, lúc vượt suối băng rừng lúc dầm mưa giông lũ quét. Để sát cánh cùng gia đình Việt, không ít những hy sinh hạnh phúc của riêng mình.

LÝ NĂM CĂN

Nam: Niềm tin dâng mãi lòng ta
Từ bao cánh sóng vươn xa

Nữ: Cánh sóng bay trong bao la
Vượt qua bão giông cuồng nộ

Nam: Đường tương lai bước rộng thênh
Tình yêu đất nước đẹp xinh
Tiếng nói niềm tin
Ấm áp lòng mình

(Trở về vọng cổ câu 6)
Nam: Vị trí VOH bây giờ trong thính giả, sóng tình yêu phủ rộng khắp lòng người.

Nữ: VOH quá tuyệt vời
Là tiếng nói Đảng, là lời nhân dân

Nam: Từ thành phố Hồ Chí Minh
Truyền đi thông điệp niềm tin đến mọi miền.

THÔNG ĐIỆP NIỀM TIN
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Lá Thư Của Người Mẹ Phương Nam

NGÂM THƠ

Phương Nam ngọn cỏ gió đùa
Canh ba má đếm giọt mưa sau hè
Má gom chân chất tình quê
Viết lời thăm hỏi gửi về Trường Sa

NAM AI ( 8 câu)

Lá thư này má viết gửi Trường…Sa
Từ nơi mảnh đất tận cùng
Tận cùng trời Nam
Bên bổi hổi hương tràm
Nơi ngọt ngào giọng tài tử trên sông
Nước nổi về điên điển vàng bông
Lưới tung trắng giữa loang đồng
Nụ cười toả phía hừng đông
Xuồng ghe sản vật khoang đầy
Lũ hiền nước nổi là đây
Trăng thu nặng nợ nơi này
Dầm cùng sông nước miền tây
Áo bà ba lung linh trên nước bạc
Bông súng quê thay lược giắt trâm cài
Nơi vắng vẻ dáng trang đài
Chỉ có nụ cười chân quê

Mỗi lần nghe tin có gió giật mưa giông bão phía biển đông là y như lòng má động. Tô canh rau tập tàng cũng chừng như có sóng đêm phương Nam trằn trọc suốt canh…

VỌNG CỔ

1-…dài.
Trường Sa trong tim thoắt ẩn thoắt hiện hoài.
Mắt mũi kèm nhèm tay run chân yếu, nhưng má muốn nhờ giấy trắng mực đen. Trước thăm hỏi các con sau chia sẻ động viên, chuyển thông điệp thương yêu từ châu thổ đồng bằng.
Rằng tim phương Nam cùng nhịp đập biển đông, rằng lòng phương Nam luôn hướng về biển đảo.

2- Mỗi lần nghĩ về các con nơi biển đảo, tự hào dâng không tả hết bằng lời.
Những con tàu ra khơi canh giữ vùng trời.
Thương mái tóc cứng xơ mùi muối mặn, làn da sạm sùi phơi nắng gió tứ phương.
Ý chí trên đầu dưới chân là đại dương, hiểm nguy trùng trùng sống còn trong gang tấc.
Mắt biên cương vẫn ngời sáng quắc, mang dáng hình Tổ Quốc phía Trường Sa.

PHI VÂN ĐIỆP KHÚC

Má gom hương tràm – và gom – hương tình yêu
Nắng thu ấm nồng – hương đồng – hương quê miền tây
Đem – ướp vào trong khăn
Chiếc khăn rằn – tấm lòng người quê – phương Nam ấm hơi sẻ chia
Gửi về – đảo xa mến yêu – lời nước non – sử sanh bao đời ghi
Biển đông mình – bao phen bão giông – mà cha ông – vẫn luôn can trường
Kiên cường – giữ cho bình yên
Thềm lục địa – chủ quyền…thiêng liêng.

Đất trỗi tình ca ướp hạt phù sa trổ hoa thơm ngát. Hoa của U Minh dịu dàng mộc mạc, đượm thuỷ chung lại dào dạt ân…

VỌNG CỔ

5-…tình.
Tràm trắng được bung hương trên vùng đất thanh bình.
Có công ơn phía vùng trời biển đảo, bao máu xương hoà sóng gió trùng khơi.
Những gương mặt mưa rát nắng phơi, giấc ngủ canh khuya gối hương muối mặn.
Mơ cuộc bình yên sóng yên biển lặng, mơ tết được về bên mái ấm gia đình.

6- Đêm nay má thức với Trường Sa, nét chữ trong thơ cứ trồi lên hụp xuống.
Dòng chữ như con sóng lượn, còn lòng má đặc dày câu chuyện sử sanh.
Này thì hào khí Bạch Đằng sử sách còn ghi, này thì Nhật Tảo hùng thiêng Kiên Giang kiếm bạt.
Đó Rạch Gầm chiến công còn vang dội, đây Gạc Ma bao chiến sĩ không về.

Nào! hãy sôi lên hào khí Việt Nam
Các con của má ơi! hãy kiên cường bám đảo
Như những chú cá kình lướt sóng to gió bão
Giữ vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

LÁ THƯ CỦA NGƯỜI MẸ PHƯƠNG NAM
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Búi Tóc Trái Cau

NÓI LỐI

Con cùng đoàn trường đến điểm tham quan
Nơi nổi danh trên bốn mươi đòn khảo tra tàn độc
Nơi người yêu nước chỉ còn là những bộ xương gầy rộc
Nơi hơn bốn ngàn người đã ngã xuống cho quê hương.

VỌNG CỔ

“Nhà Lao Cây Dừa” năm xưa không có nụ cười chỉ có tiếng hô hố nặc mùi man rợ. Biển không bình yên ru lời sóng vỗ biển gào thét hờn căm giông tố phủ giăng…

VỌNG CỔ

1-…trời.
Con chợt quay qua nhìn tất cả mọi người.
Những cánh môi run của thầy cô ém mình nghẹt thở, những đôi mắt học trò hoe đỏ rưng rưng.
Cảnh đóng đinh vào xương bánh chè cảnh rút móng đục răng, cảnh ghép ván vặn ốc vít vào người.
Đèn cao áp chiếu vào tròng mắt cho đui, đập chày vồ nấu người trên chảo nóng.

2. Roi cá đuối quất người treo trên thòng lọng, cho tắm mưa vôi và ép uống xà phòng.
Đau xót trong con dâng đến ngập lòng.
Sau lưng con các bạn bật lên tiếng nấc, những giọt nước mắt căm thù cảm phục biết ơn.
Trái tim học trò thấy thêm yêu Tổ quốc quê hương, khi chứng kiến cảnh phục dựng của những người làm cách mạng
Những người yêu nước mà chúng gọi là cộng sản, luộc chín cũng không màng chôn sống cũng không khai.

NÓI LỐI

Con về hỏi ngoại trong nước mắt rưng rưng
Rằng điều gì đã nun đúc một tinh thần bất diệt
Điều gì đã làm cho con người không sợ chết
Ngoại trả lời: Vì Tổ quốc thiêng liêng.

Ngoại ơi! Ngoại hãy ngồi xuống đây cho con được vuốt ve nâng niu làn tóc rối. Tóc ngoại vừa trắng vừa thưa con búi vừa một búi, một búi tóc trái cau mộc mạc quê…

VỌNG CỔ

5-…mùa.
Ngoại nói, xưa tóc ngoại dày mo và hay cắt miểng dừa.
Nhỏ xíu vậy chứ đã làm liên lạc, bơi xuồng chuyển lương thực đưa rước cán bộ vô lung.
Năm hai mươi tuổi ngoại bị bắt ở bìa rừng, đánh đập khảo tra gãy mấy cái ba sườn còn chân đi cà xụi.
Vôi chúng rải trên đầu nên giờ tóc không mọc nổi, chỉ còn mấy chỏm lưa thưa cho con búi mỗi ngày.

LÝ BA TRI

Đêm đến, cứ khoảng canh ba
Con thấy ngoại ngồi trâm ngâm bên bếp
Cời tro ngoại nướng khoai lang
Bên bếp cà ràng đỏ lửa ngoại kêu
“Khoai nóng em đã lùi anh chị về cùng ăn.

(Trở về vọng cổ)

Con hiểu ra ngoại nhớ ông và nhớ đồng đội ngoại
Những liệt sĩ hy sinh vì nước non này.

Ngoại nói nước mắt người cộng sản không chảy ra ngoài mà chảy ngược vào tim
Hồn người yêu nước quyện màu trời xanh biếc
Họ chết vì quê hương để cánh cò thêm da diết
Bay trắng trời đẹp đồng mẹ đồng cha.

BÚI TÓC TRÁI CAU
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Bánh Chưng Út

LÝ CHIM XANH

Hương hoa thơm nức đong đưa chào mừng nàng xuân
Mơn man gió vờn da lính trời đêm giao thừa
Lòng thương nhớ sao cho vừa, về phương ấy xa xôi
Nơi mẹ trông ngóng trai út về cùng mừng xuân.

Mẹ ơi! đêm mà trời đất giao thoa cùng đồng đội nghe khúc dân ca lòng con nghẹn ngào nhớ mẹ. Nàng xuân đang dạo trên lộc chồi khe khẽ mà con nghe như bước mẹ gậy tre…

VỌNG CỔ

1-…dìu.
Để lòng con thêm nhớ thương nhiều.
Trời đang xuân hay lòng con đang tết, hương tết quê nhà đang len nhẹ vào tim.
Lại một mùa xuân qua để tuổi mẹ nhiều thêm, thời gian cứ gặm nhấm nếp nhăn trên đuôi mắt mẹ.
Lại một mùa xuân con trực tết xa nhà, để mẹ già vào ra trông ngóng.

ĐOẢN KHÚC LAM GIANG

Con gọi từ nơi xa
Tha thiết dâng ngọt ngào khúc dân ca
Mẹ nghe giữa đêm giao thừa
Nhớ thương lùa theo từng lọn gió
Rồi từ đầu bên đây
Con đã nghe tiếng mẹ hời ru.

2- Qua điện thoại mẹ lì xì đầu năm cho trai út, một khúc ru da diết ngọt ngào.
Khúc cò ru con vừa nghe nước mắt đã chực trào.
Rồi mẹ còn ngâm “Ba mươi năm đời ta có Đảng”: giọng vẫn tự hào dù tuổi huốt chín mươi.

(Lý con sáo đọan cuối)
Con nghe rồi lòng thương quá thương
Trong tim con mẹ vẫn luôn là quê hương
Mẹ là người dâng bao đứa con
Tổ quốc luôn trong trái tim mẹ tôi. (dứt câu 2)

NGÂM THƠ

Nhớ sao nhớ đến nao lòng
Đêm ba mươi tết thương mong con mình
Mẹ ngồi gói bánh chưng xanh
“Bánh chưng út” mẹ gói dành riêng con.

Bánh chưng út. Một loại bánh chưng được mẹ đặt cái tên nghe nhà quê chân chất. Loại bánh chưng mẹ gói bằng nhớ thương dành cho trai út, dù năm nay nó bận trực tết không…

VỌNG CỔ

5-…về.
Mùi bánh chưng xanh cứ thơm nức giữa tư bề.
Hoa đào hoa mai cánh đã xoè trước ngõ, chậu mẫu đơn nụ cũng sắp bung hoa.
Trà Bắc thơm nồng mẹ rót mời cha, khói trà khói hương làm cay mắt mẹ.
Chứ mẹ chẳng khóc đâu vì mẹ không quạnh quẽ, đêm trời đất giao thoa lòng mẹ cũng giao hoà.

6- Hàng xóm nói chỉ xứ quê đồng chiêm trũng quê ta, mỗi nhà cụ Xuân là có đêm giao thừa đặc biệt.
Sau khi nghe chủ tịch nước lên ti vi chúc tết, là gia đình kết nối điện thoại từ xa.
Để con cháu dù đang công tác xa nhà, vẫn nghe được giọng mẹ già phấn khởi.
Lì xì cho các con bài thơ xuân mới, cả nhà cùng nghe cố nén tiếng sụt sùi.

Xuân năm nay cùng đồng đội con khoe
Mẹ tớ ở nhà vẫn gói riêng một cặp “bánh chưng út”
Dù tớ không về nhưng vẫn là ưu tiên nhất
Cho anh lính xa nhà trực tết giữ quê hương.

BÁNH CHƯNG ÚT
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Bài Học Online Đầu Tiên Cô Dạy

TRĂNG THU DẠ KHÚC

Gió…gió đưa se lạnh, tiếng lòng ta rơi, hay lá thu
Không gian lặng buồn, nghiêng những cánh chuồn
Vầng mây sũng nước không trôi
Là thu rớt giọt hay là lệ cô rơi đắng môi
Sân trường hôm nay
Vắng lặng như tờ
Trường không bóng trò, tán bàng giờ che bóng ai.

Là thu khóc ướt cả lòng đêm hay tại quá nhớ trò làm cô sũng mèm đôi mắt. Tiếng gió đưa nhánh bàng xào xạc hay tiếng lòng cô đang quặn thắt khúc quê…

VỌNG CỔ

1-…buồn.
Cô thèm được nghe tiếng trống tựu trường.
Nhớ nghe tiếng trẻ đọc bài bên nước nổi, nhớ quay quắt những dáng ngồi với tiếng dạ thưa.
Thèm ngắm những con đường ngày hai buổi rước đưa, chở áo trắng học sinh vai đỏ thắm khăn quàng.
Chở những nụ cười trên môi trẻ hân hoan, khoe với bạn mình điểm mười đỏ chói.

2- Cô nhớ cả dáng ngập ngừng bối rối, ấp úng lay hoay vì bởi chẳng thuộc bài.
Mắt đã bao đêm giọt vắn giọt dài.
Khi báo đài đưa tin hơn nghìn trẻ thơ không còn cha mẹ, trăng thu về nức nở khúc mồ côi.
Rồi chặng đường sắp tới để làm người, các em sẽ phải vượt qua trăm ngàn gian khó. Là Virust nhiễm vào đường quê ngõ phố, hay ngậm ngùi đau xót nhiễm vào cô.

KHÓC HOÀNG THIÊN

Bài học online đầu tiên cô dạy
Hướng dẫn các em thực hiện đúng 5k
Dịch bệnh tràn lan trên khắp quê nhà
Hãy tự bảo vệ mình để vượt qua năm học khó với niềm…tin.
Rằng ta chiến thắng
Nào cô trò cùng cố gắng
Hãy ở nhà đừng có đi đâu
Đỡ cực cho cô chú tuyến đầu
Cả nước cùng chung sức chung tay
Dịch bệnh sẽ lùi ngay
Trăng thu này không đi rước được
Ta ở nhà qua ô cửa ngắm trăng
Cô trò ta hẹn với chị Hằng
Gặp lại mùa thu sau
Nào hứa ngay với chú Cuội rằng
Luôn học hành chăm ngoan.

Rồi một ngày nắng mới lại lên rồi vừng hồng lại toả. Mái trường xưa đón những bước chân rộn rã, nụ cười trên môi bung nở thoả mong…

VỌNG CỔ

5-…chờ.
Rồi mỗi thứ hai lại thẳng tắp chào cờ.
Cô trò ta lại bên bảng đen phấn trắng, cùng xếp vần hai chữ Việt Nam.
Cô sẽ giảng cho cả lớp nghe về khí phách Phương Nam, kể chuyện cha ông xưa kiên cường trung dũng.
Những tình nguyện viên những thiên thần áo trắng, vì cuộc hồi sinh cống hiến quên mình.

LÝ CHIM XANH

Yêu sao hoa nắng reo vui cùng bầy sơn ca
Quê hương trong lành thoáng mát sạch xanh thơm lừng
Người Kiên Giang đắng cay đã từng
Ngại chi gian khó đâu
Chung lòng trên dưới
Hiệp sức, dịch bệnh lùi mau.

(Trở về vọng cổ câu 6)

Rồi sân trường lại rợp màu áo trắng
Rồi chẹc ghe lại chở khẳm những nụ cười.

Trường quê mái ngói đỏ tươi
Cô trò ta lại cùng ngồi ê a
Ngày vui của nước non nhà
Vần cô dạy ghép chính là “TRI ÂN”.

BÀI HỌC ONLINE ĐẦU TIÊN CÔ DẶN
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Đêm Giao Thừa Nghe Bài Ca Vọng Cổ (Đơn nam)

NHẠC

Trong đêm giao thừa nghe bài ca vọng cổ
Ôi thiết tha ngọt ngào, nhớ về quê hương miền tây
Lời ca bao vấn vương, khiến cho lòng tôi thêm nhớ thương,
Xuân đã qua bao mùa, vẫn còn đậm mùi hương.

Trong đêm xuân năm nào, cũng bài ca chan chứa
Em hát câu ân tình, tiếng đàn ngân nga gần xa
Và em buông sáu câu, để cho lòng ta thương mến nhau,
Men đắng môi nồng, ngất ngây tình gửi trao.

Ngọn chướng lùa thương vào lòng người tha phương gợi nhớ cố hương cõi lòng nghe se thắt. Rạch giá ơi! nhớ gì mà quay quắt khi bài vọng cổ ai ngân trong vắt đêm giao..

VỌNG CỔ

1- …thừa
Chất giọng miền tây da diết tả sao vừa.
Để ta nhớ mối tình đầu ngây thơ ấy, khi so phím tiếng đàn buông ngọt lịm cung thương.
Em cất lời cho anh mãi luyến vương, bài vọng cổ quê hương em thả ngọt thả muồi.
Để lòng này thương nhớ không nguôi, tim đã yêu rồi người con gái ấy.

LÝ NĂM CĂN

Là thương nhớ chiếm hồn ta
Là đêm trời đất giao thoa
Ai cất tiếng ca ngân nga
Gợi bao thiết tha trong dạ
Bài ca có cánh cò xa
Bài ca có dáng mẹ ta
Gánh lúa về qua
Ngang bóng chiều tà.

2- Có vành đai xanh thơm mùi hương ngò hương cải, có áo bà ba xẻ gió tung tà.
Có tóc ai bay bên hương biển mặn mà,
Có điệu lý ngọt ngào thỏ thẻ, rằng nàng xuân đã về trên từng nụ vàng mai.

(Lý Con Sáo đoạn cuối)

Rằng xuân về lộc non biếc xanh
Nhờ én kia chở nhớ thương về anh
Rằng giao thừa lòng em nhớ anh
Mau anh ơi kíp mau về nhanh…(dứt câu 2)

NHẠC

Rồi xuân qua mau, anh gửi lại em lời chào
Rời xa cố hương, bước chân buồn tha hương mấy phương
Để từng đêm thâu, ai thao thức canh trường
Ai hát khúc tơ lòng, ai nặng sầu tương tư.

Nước chảy về sông, phù sa vẫn trôi về đồng
Xuân đã về đây, tình ta càng thêm đắm say
Ngàn lời tơ vương cất cao thành ngàn lời yêu đương
Xuân của lòng ta có em là tình thương.

(Trở về vọng cổ câu 6)
Đêm giao thừa nghe bài ca vọng cổ
Nhớ quê và nhớ em đôi mắt đẫm buồn.

Nước lại chảy về sông phù sa trôi về đồng ruộng
Rồi người lại trở về sau bao năm xa biệt cố hương
Giao thừa anh gặp người thương
Để bài vọng cổ quê hương trọn tình.

ĐÊM GIAO THỪA NGHE BÀI CA VỌNG CỔ
(Đơn nam)
Nhạc: Võ Hoàng Lâm
Vọng Cổ: Trần Ngọc Hoà

Bản quyền © 2024 thuộc về tác giả Trần Ngọc Hoà. Các tác phẩm đã được đăng ký và bảo vệ quyền tác giả.