Bút danh: Hoa Hồng

Danh mục: Thơ Trang 8 của 16

Mớ Thương Má Còn Nhiều

Quê bệnh rồi tía sắp nhỏ ơi!
Bé Hai đâu? mau mau theo má
Quơ mấy cái xề, cần xé, thau, rổ, rá
Út mở nuộc xuồng cho má lẹ coi.

Tía sắp nhỏ ơi! Tía sắp nhỏ đâu rồi?
Lưới chài ông nghen, tui rau ông cá
Lòng quê đang nhiễm cơn dịch giã
Cùng đùm nhau, bầu bí chung giàn.

Dây chuối má ngoai, má rịt, má ràng
Bó nghĩa bó tình người quê gửi phố
Rau muống, mồng tơi, diệu, dền, ngót, ngổ
Rô, lóc, long tong, hủng hỉnh, sặt rằn.

Mớ chừa lại quê giúp người gặp khó khăn
Mớ gửi theo chuyến không đồng tiếp tế
Đếm trái đếm cọng các con có thể
Mớ thương má còn nhiều, đếm hoài hổng hết đâu nghen.

Nhà mình 5k tuân thủ hàng đầu
Thằng Út tinh thần coi mòi vững chắc
Nhớ má dặn chống dịch như chống giặc
Các con tuyến đầu má chốt ở hậu phương.

Vĩnh Thuận xưa nay truyền thống kiên cường
Giặc xâm lăng còn phải nhào phải cút
Người người nhà nhà chung tay hiệp sức
Rồi một ngày giặc dịch phải lùi thôi.

MỚ THƯƠNG MÁ CÒN NHIỀU
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Đừng Trách Nỗi Buồn Cũ Rích

Về hỏi lão dừa
còn nhớ người du kích guộn mình trong lòng đọt
áo đen đầu quấn khăn rằn
hỏi còn nhớ tiếng cơm sôi trong bụng
và hơi thở rặt quê ngày giặc bố hung hăng.

Đừng bắt mẹ phải quên
khi con chim vịt cứ cắc cớ kêu vào mỗi chiều chạng vạng
mà hoàng hôn Mỏ Cày vẫn còn lưu lại những tấm hình
mẹ vấn thuốc rê thơm mần trầu trên tóc
cha rút sợi thương vá nón mẹ bung vành.

Về úp mặt vào sông hỏi vầng trăng mười sáu
dầm mình dưới đáy bao năm
có gặp người xưa ôm súng
giữ quê ngã xuống đêm rằm

Đừng trách nỗi buồn sao cũ rích
khi Hàm Luông còn lưu giữ bóng xuồng qua
lục bình chiều ấy toàn bông đỏ
mẹ lao xuống dòng vạch nước tìm cha.

Đâu cứ tím sim là biền biệt
vẫn được ôm chầm trong những giấc mơ mà
ai khống chế nổi tuổi gậy dìu rộn rạo
khi chướng non cứ ôm hôn mãi rặng dừa già.

ĐỪNG TRÁCH NỖI BUỒN CŨ RÍCH
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Chiếc Vương Miện Lá Dừa

Hoàng hôn vắt nỗi niềm ngang sông
Gọi người về giữa mênh mông dòng nhớ
Bến hàm luông ai xuống xề câu vọng cổ
Mà ngọt bùi câu duyên nợ Bến Tre ơi.

Thân ốm nhách mỏng tăng da trổ đồi mồi
Dằm đẩy nước cời còi mà anh thấy còn rất chậm
Chở nhớ chở thương quá nhiều nên xuồng khẳm
Cái nôn nao sao cứ rộn tưng.

Xưa máy bay quần nên trễ hẹn để mình trông
Mình cứ cằn nhằn anh là người chậm lụt
Nhớ nụ hôn xưa vội vàng mà cụt ngủn
Anh lên đường lệ mình chảy theo mưa.

Nghe tin ba ngày đêm mình ngồi miết trên ngọn dừa
Mình đói khoét dừa ăn mà tim anh nóng ran muốn nổ
Quê không yên bình giặc ruồng giặc bố
Nên đàn bà cũng cõng khổ cùng quê.

Anh tới rồi đây mình ngắm kỹ anh đi
Vẫn bà ba đen vẫn khăn rằn quấn cổ
Tóc cắn muổng dừa mà mình nói nhìn hơi ngố
Nhưng mình thương là bởi tại anh hiền.

Thương anh du kích Giồng Trôm gan dạ nhất bưng biền
Đây chiếc vương miện lá dừa anh kết ngày nắng đổ
Chưa kịp cài lên tóc vợ hiền thì đạn thù cuồng nộ
Cướp mất em đi

Anh gửi lòng mình trong điệu lý Ba Tri
Có bóng dáng người con gái năm xưa băng mình trong lửa đạn
Có đội quân tóc dài tự hào trong từng câu hát
Và tình đôi ta trong dào dạt hương dừa.

Mình ơi mưa rớt giọt thưa
Để thương với nhớ cứ ùa vào anh
Em về trong bóng dừa xanh
Làm nen dáng đứng quê mình Bến Tre.

CHIẾC VƯƠNG MIỆN LÁ DỪA
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Sợ Rằng Lòng Đất Còn Đau

Lần theo hương công ơn thơm ngát
Con tìm về Phú Quốc một ngày xuân
Nhà lao cây dừa của năm xưa tháng cũ
Phục dựng ảnh hình địa ngục của trần gian.

Nơi đây xưa nụ cười hiền không nở
Chỉ có tiếng hô hố khan khan man rợ sặc mùi
Nơi đây xưa, biển không bình yên vỗ
Chỉ có ba đào giông tố mà thôi.

Tàn độc quá, bốn mươi lăm đòn tra khảo
Nện chày vồ, lộn vỉ sắt, đục răng
Đóng đinh xương bánh chè, lửa thiêu mười ngón
Vặn ốc vít vào chân, chảo nóng đun người . . .

Cha ông đã tạc gì trong hoang sơ lòng đảo
Có phải lòng yêu nước kiên trung
Chúng con nay về đây đọc được
Nơi phố đảo lung linh dòng quá khứ hào hùng.

Xuân về đảo dâng nén hương tưởng niệm
Nghe gió ru sóng vỗ nhịp tự hào
Chân bước nhẹ mà lòng vẫn sợ
Sợ đến giờ lòng đất vẫn còn đau.

SỢ RẰNG LÒNG ĐẤT CÒN ĐAU
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Nỗi Niềm Chị Tôi

Chị gom da diết trong chiều
Gom thương gửi lá, gom yêu gửi cành
Gửi trong lộc biếc non xanh
Nụ hôn vội, ngày anh hành quân xa.

Gom nồng nàn gửi trong hoa
Gom lận đận, lẫn bôn ba tháng ngày
Gom khao khát, những đắm say
Gửi năm canh để đêm ngầy ngật đêm.

Sương thu đọng cánh hoa mềm
Gió mơn lá, chị ngỡ êm ái về
Ngỡ môi chạm một đê mê
Ngỡ tay ai xiết giữa bề bộn yêu.

Vàng thu lá úa rơi nhiều
Chị gom nhớ, sưởi cô liêu bên thềm
Người về trong đất đỏ mềm
Nuôi cây nuôi cả nỗi niềm chị tôi.

Chiến khu Đ mãi xanh ngời
Một rừng sử đẹp vạn ngôi sao vàng
Người đi để lại vẻ vang
Cho Tân Uyên đẹp muôn ngàn năm sau.

NỖI NIỀM CHỊ TÔI
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Phố Biên Cương

Phố lên đèn phố lung linh bên biển
Vầng chiêu anh son sắc với rằm giêng
Và câu thơ tung vó câu trận mạc
Thơm ngát hương yêu nước của tiền hiền.

Ta dạo bước chốn “Hà Tiên Thập Vịnh”
Nghe đêm thâu quân gióng trống quật cường
Bao chiến tích còn in trên đá dựng
Đó núi non sừng sững trấn biên cương.

Ơi yêu lắm dải non sông liền lạc
Đất lành của ta, rừng núi của ta
Biển rễ mắm bám sâu vào mộc mạc
Đồng rạ rơm ủ ấm những thiệt thà.

Nào gác lại những nổi chìm mất được
Về đan tay trong lòng phố vùng biên
Biển núi lúa tấu khúc tình non nước
Nghe tim mình chung nhịp với Hà Tiên.

PHỐ BIÊN CƯƠNG
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Đừng Che Con Nữa Mẹ Ơi

Đừng che con nữa mẹ ơi!
Để cha thấy dáng mẹ ngồi mà đau
Run run nón lá che ngâu
Thân còng hứng giọt giãi dầu vì con.

Che mà lòng mẹ héo hon
Che tên họ, hài cốt còn đâu che
Lời mẹ khấn, con đã nghe
Quá giang lọn gió con về rồi đây.

Áp mặt vào tấm lưng gầy
Nhẹ hôn mái tóc màu mây, màu gòn
Truân chuyên quá, búi chỉ còn
Nhỉnh hơn một quả bần non sau nhà.

Cây dừa lão tối hôm qua
Giông về gió giật đổ sà xuống kinh
Sàn lãn vẹo mục rung rinh
Tới mùa con chướng vặn mình con lo.

Mẹ ơi ngâu rắc hạt to
Mẹ về đi để cha lo mẹ ời
Bông trang con đã ngắm rồi
Đã ăn bánh ít và xôi no cành.

Vết thương chiến tranh lại hành
Nên cành già nhớ cành xanh thấu trời
Đừng che con nữa mẹ ơi!
Để cha thấy dáng mẹ ngồi mà đau.

ĐỪNG CHE CON NỮA MẸ ƠI
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Biết Làm Sao

Đứa bé cứ đi tới đi lui trước mặt người đàn ông
người đàn ông là chủ quán nhậu có cái tên rất thơ “Mái Phố”
tay nó cầm xấp vé số
đảo qua đảo lại không biết bao nhiêu lần.

Chẳng mời mua mà rã cả đôi chân
tay ngượng nghịu lùa mái tóc cua đinh hôm qua vừa hớt
mắt liếc người đàn ông đang vô tư cười cợt
đong đưa với mấy cô gái chạy bàn.

Nó mong, mong lắm, mong vô vàn
mong lúc bà chủ vắng nhà người đàn ông nhìn thấy nó
rồi nhẹ nhàng ngoắc nó lại hỏi nhỏ
nhà cháu đâu? ba mẹ cháu là ai?.

Để nó có dịp kể cho ông chủ nghe nhà nó ở xóm chài
ông ngoại đi biển không về sau một ngày mưa bão
bà ngoại nó tật nguyền mẹ nó tên Hoa mới trăng tròn mười sáu
phải vào Mái Phố bưng đồ nhậu chạy bàn.

Vào một ngày nắng đổ chang chang
nó oa oa chào đời thì mẹ không còn nữa
bà ngoại nuôi nó bằng nước cơm, chuối rục nghiền thay sữa
vậy mà nó vẫn bảnh trai

Mười năm sau chiều chạng vạng một ngày
đi bán số về, gọi mãi ngoại không thèm dậy nữa
ngoại và mẹ bỏ nó một mình giữa chợ đời ngập ngụa
lầy và trơn.

Chiếc lon gu gô ngoại để lại trong đó có ba trăm ngàn
và một tờ giấy có nét chữ run run nguệch ngoạc
“Tí ơi khi ngoại mất rồi hãy đến đường T “ Mái Phố quán”
ông Năm Kèo chủ quán chính là ba con”.

Đó là lý do một năm nay nó cứ chờn vờn
chẳng bán số ở đâu cứ vòng vòng chờ cơ hội
ba trăm sáu mươi lăm ngày với nó sao mà dài vời vợi
đảo mỏi cẳng mỏi giò
mắt chủ quán vẫn lạnh lùng chẳng ngó biết làm sao.

BIẾT LÀM SAO
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Tiếng Chổi Đêm Ba Mươi

Chỉ còn một góc đường nữa thôi
Thời gian ơi! xin chậm lại
Tiếng chổi đêm ba mươi vẫn còn khua mãi
Để những con đường vừa sạch vừa thơm.

Này cúc này mai xoè cánh vàng ươm
Xíu nữa xuân ơi! chờ mẹ ta về với
Kịp trước trời sáng không? bầy con đang đợi
Những đôi mắt rị cong kim phút chiếc đồng hồ.

Mẹ vẫn miệt mài nơi góc phố Nguyễn Du
Hai bên đường cờ đỏ bay phấp phới
Vạn thọ rộ bung đón chào năm mới
Canh năm sắp tàn vẫn xoèn xoẹt tiếng chổi tre.

Mặt trời mùa xuân đã ló dạng kìa
Lũ trẻ áo hoa ùa ra con đường sạch
Mẹ tôi về dáng xiêu manh áo rách
Mà lòng mẹ lành
Cùng đàn con khờ tất tưởi đón xuân.

TIẾNG CHỔI ĐÊM BA MƯƠI
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Bài Thơ Miền Trung Ngày Bão Lũ

Con viết bài thơ miền Trung ngày bão lũ
Mặt giấy có sóng xô, câu thơ chữ chìm chữ nổi
Dấu ô như những mái nhà đang hấp hối
Bao con đường, đồng ruộng hóa sông.

Con viết bài thơ ngày lụt lội miền Trung
Mắt rụa ràn mà ngỡ lũ tràn ra từ bút
Bóng mẹ ngồi trên nóc nhà xòe bàn tay sùi sụt
Già rồi, sao tay vẫn trắng bệt vậy trời!.

Miền Trung trong thơ con đang chơi vơi
Cha già tay níu nhành cây, tay đưa di ảnh con khỏi đầu sợ ướt
Năm tháng chiến tranh, cơn sốt rét rừng theo suốt
Nên con nó sợ lạnh lắm mình à.

Miền Trung trong thơ con vừa mới hôm qua
Đất nẻ ngoài đồng cây quắt queo khô đét
Con chữ cứ rạc rời nứt banh tét bét
Câu thơ đói cơm thiếu nước guộc gầy.

Miền Trung trong thơ con hôm nay
Lại oằn mình trước bão giông cuồng nộ
Làng mạc, nhà cửa, hoa màu và những ngôi mộ
Chìm nghỉm dưới lòng sâu.

Miền Trung ơi! Bao giờ hết lao đao?
Mặt hướng về biển đông, lưng quay về giải trường sơn hùng vĩ
Mảnh đất sinh ra bao nhân tài, nhân sĩ
Sinh ra những kiên gan bền bỉ đội đá vá trời.

Miền Trung trong thơ con dấu chấm than gió dập tơi bời
Dấu sắc rách tả tơi, dấu huyền sóng xô dựng ngược
Dấu ngã hụp trồi theo con nước
Dấu hỏi lơ lửng giữa không trung.

Thơ con có đôi gánh mẹ gồng
Hai đầu là Bắc – Nam – Miền Trung rộp phồng ở giữa
Câu thơ con có nghĩa tình sắc son chan chứa
Có tấm lòng Nam Bắc sẻ chia nhau.

BÀI THƠ MIỀN TRUNG NGÀY BÃO LŨ
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Bản quyền © 2024 thuộc về tác giả Trần Ngọc Hoà. Các tác phẩm đã được đăng ký và bảo vệ quyền tác giả.