Bút danh: Hoa Hồng

Danh mục: Thơ Trang 12 của 16

Anh Có Theo Về

Anh có theo về với em không?
Về vớt trăng mùa con nước nổi
Vớt tiếng cười chân quê đồng nội
Thả vào thơ.

Có về theo không để em biết mà chờ
Về bên bển bên nay hò qua đáp lại
Bơi xuồng đốt than bắt cua bắt nhái
Cá lóc nướng trui thơm nức cánh đồng.

Anh có theo về với em không?
Để mà biết điên điển vàng ra sao trong nỗi nhớ
Để mà biết thế nào là con trăng đi ở đợ
Cho sông nước miền tây.

Về cho biết hốc mắt mẹ sâu-gầy
Lưng còng tay với theo mái dầm khua nhịp
Về mà nghe tiếng rao quê da diết
Ai…dưa điên điển…hông?…

Em lớn lên theo từng nhịp mái dầm
Xinh mặn mòi trong lời rao của mẹ
Ký túc xá đêm nay nỗi nhớ nào len nhẹ
Nỗi nhớ vàng lắm
Vàng như bông điên điển mẹ hái chiều nao.

Anh có theo về với em không ?
Để mà biết
Mùa nước nổi quê em sướng khổ thế nào.

ANH CÓ THEO VỀ
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Thu Về Trên Sông Nước Miền Tây

Ai bảo là miền tây em không có mùa thu
Ngọn heo may vừa về se chiếc lá
Hương tràm đưa bồi hồi đến lạ
Bổi hổi
Cái lần đầu hai đứa chạm tay nhau.

Thất Sơn kỳ vĩ trắng xóa bông lau
Như tóc mẹ phất phơ giữa mây trời non nước
Xa xa rừng tràm xanh mượt
Đắm mình trong biển nước mênh mông.

Hoa vừa trôi vừa nở trên sông
Tím lục bình
Gió mơn cánh mỏng
Ai trỗi khúc “mùa thu rồi…” để hoàng hôn lóng ngóng
Để mùa nước nổi điên điển vàng bông.

Bấc non đu khua nặng mái dầm
Đu vào tấm lưng còng đu vào vết đồi mồi trên da mẹ
Hỏi mãi mẹ ơi sao kiên cường đến thế ?
Mẹ ơi !
Mẹ bơi xuồng chở nỗi nhớ Cha đi đâu ?

Thu miền tây ngọn chướng thổi rất sâu.

THU VỀ TRÊN SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Mưa Quê

Mưa quê rụng lá bần xanh
Vạt buồn ai vắt trên cành đong đưa
Câu hò thả giữa sông trưa
Để hai goá phụ đêm mưa nhớ chồng.

Ngày bông bần tím hừng đông
Cha không về để triền sông khóc người
Mưa hoà tiếng gọi mình ơi!
Gió luồn nấc nghẹn giữa rời rã ngâu.

Ví dầu nỗi nhớ nát nhàu
Ví dầu cái khúc cơ cầu truân chuyên
Tiếng mang gái đã nên duyên
Sau ngày bỏ lễ chồng lên đường rồi.

Chiếu chăn vẫn đó một đôi
Đêm về nằm gỡ một nùi nhớ mong
Con dâu giỗ giấc mẹ chồng
Mưa chui liếp cửa nỗi lòng chầm ê.

Ngày anh đi biệt không về
Mắt hai goá phụ đau bề bộn phơi
Bông bần mẹ thả sông trôi
Chị ngồi ôm đoá ô môi ru tình.

Nắng vàng rớt một lặng thinh
Bến quê buông sắc thanh bình mênh mông
Bần trôi hoa tím bềnh bồng
Để cho nỗi nhớ lên ngồng trổ thương.

Ví dầu một khúc quê hương
Mẹ ru biết mấy dặm trường gian lao
Bung ra rồi lại vỗ vào
Cánh cò nỗi nhớ nghiêng chao trắng trời.

MƯA QUÊ
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Khúc Ru Trong Tiết Thanh Minh

Người thương binh già
Giữa chiều tiết thanh minh lộng gió
Hát ru những ngôi mộ không tên và những linh hồn còn nằm đâu đó
Giữa đại ngàn.

Lời ru trong nức nở tiếng đàn
Nốt lặng! Đứa mất tay đứa lìa chân oằn oại
Nốt gầy! Đứa trệu trạo lá bứa sốt rét rừng nằm lại
Nốt đau Cả tiểu đội còn mỗi một đứa trở về.

Cái đứa trở về ký ức cứ kéo lê
Trong này này, chỗ này này, vừa đau vừa nhói
Đêm trở mình nghe đồng đội nhao nhao hỏi
Tên cúng cơm, tên ngày nhập ngũ của tôi đâu?

À ơi…
Tháng ba bỏ buồn vào hoa cau
Hoa cau giận hờn không nở
Giàn trầu bấu tháng ba bầm xanh bầm đỏ
Trách người sao đi biệt không về, trầu cánh phượng ai têm?

Mẹ già quay quắt từng đêm
Đèn chong mắt đỏ
Đan nỗi buồn lên gió
Hỏi chồng tôi nằm đâu trong những ngôi mộ đó? Những ngôi mộ không tên.

Đau cái giấc cô miên
Cái giấc của người về với đất
Lúc lên đường vẹn nguyên chân chất
Khi trở về xác thân cái còn cái mất, tên tuổi cụt dấu hụt vần.

À ơi…xót cái giấc phù vân.
Búi tóc của mẹ, vườn trầu của mẹ, ngôi nhà của mẹ, rối tung, vàng vọt vẹo xiêu trong giấc ngủ
Khúc ru trong tiết thanh minh hoàng hôn có muôn vàn vết thương mưng mủ
Những vết thương chẳng chịu lành còn để lại của chiến tranh.
À ơi…
À ơi…

KHÚC RU TRONG TIẾT THANH MINH
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Tiếng Trở Mình Trong Đêm

Ngoài kia !
Bụi tre già cong mình khóc ngất
Chú bổ củi dập đầu niệm A Di Đà Phật
Con giết cha lãnh án chung thân.

Bóng ma từ bào thai nhân quả chạy rần rần
Kẻ tội đồ gục dưới cán cân công lý
Tham quan ngã quỵ
Đồng tử tha hóa chết trân.

Tiếng đàn bầu réo rắt khúc nghĩa nhân
Án tuyên để rồi đau sau lời tuyên án
Trước tòa uy nghiêm phán
Nhân danh
Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thương muốn tím bung buồn giữa gió giật bão tràn
Chồng chết con tù đày cò gầy gãy cánh
Cây tang thương mọc muôn vàn nhánh
Nhánh nào cũng đầy những lá đau.

Kẻ nhám tâm mộng quật núi đổ nhào
Móng tục trần tưởng đàn trời dễ khảy
Mua chuộc hăm he làm mình làm mẩy
Một lưỡi một cần muốn câu hết nhân gian.

Đêm trở mình nghe phiên liếp thở than
Thẩm phán cũng là người mang dòng máu đỏ
Một trái tim phàm ấm mềm nho nhỏ
Trước pháp đình dạ sắt gan đồng
Về đời thường đau một nỗi đau chung.

Vẫn nôn nao nhớ hương ổi đến vô cùng
Rớm giọt thương khi nghe quê lúa đồng ngập mặn
Bữa cơm gia đình bát rau dền bỗng đắng
Giấc ngủ gầy bởi quay quắt án chia xa.

Tháng chín đêm mười ba gió vít ngọn thanh trà
Đu chái nhà nghe tiếng trở mình vợ chồng thỏ thẻ
Khó cỡ nào cũng cố vượt qua mình nhé
Mong cuộc đời này bớt tội lỗi khổ đau.

Ngoài kia nước lũ dâng cao
Cây lúa ngập sâu
vẫn cố vươn ưỡn đòng ra nở
Trăng thu mãi một đời mắc nợ
Với quê hương mùa nước nổi loang đồng
Để bên đời điên điển mãi vàng bông.

TIẾNG TRỞ MÌNH TRONG ĐÊM
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Xin Hùn

Từ thương lu nước lắng phèn
Tình người mộc mạc đặt ven đường kìa
Gáo dừa gọt nhẵn cán tre
Khát mời dừng uống ngụm quê ngọt lành.

Từ nghe chân đất tỏ tình
“Chịu thì gật phứt mần thinh chi trời?
Cứ ngần ngừ, mắt ngó lơi
Để qua cái tuổi nửa đời “chết tui”.

Từ câu hò thả sông trôi
Cầu tre lắt lẻo cong rồi chiếc eo
Bà ba nón lá nghiêng chiều
Xuống câu vọng cổ thiếu điều lịm tim.

Từ ca dao vịt chết chìm
Bơi ra mấy chú lìm kìm cắn tay
Cò cha cò mẹ lả bay
Vào ra vỗ nhịp bên ngày mạ xanh.

Từ sông dìu khóm lục bình
Vũ theo điệu nở hết mình với quê
Đồng thơ màu mỡ ta về
Xin hùn gieo lục bát quê chín Rồng.

XIN HÙN
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Đưa Quê Hương Vào Cho Đồng Đội

Có một người đàn ông !
Ôm khư khư tháng bảy trong lòng
Ôm tuổi hai mươi thời lửa đỏ
Tất tưởi đi về nơi đầy nắng và gió
Chốn ấy có đồng đội đang mỏi mắt chờ trông.

Hái chùm chiến công giăng trên đám mây hồng
Gom kỷ niệm chiến trường vương trong sắc sim ngời ngợi
Guộn nỗi nhớ mắc trên màu nắng mới
Người đàn ông! Đi về phía một dòng sông.

Thành Cổ hạ về ngậm nắng ngỡ tràn đông
Gió se cỏ ru những linh hồn yên nghỉ
Ba nén hương, ba chung rượu ấm tình đồng chí
Ba chén cơm lưng, một thố muối vừng.

Phía cạn ngày đêm đáy mắt rưng rưng
Mùa ơi ! hãy ngủ ngoan đừng thức vội
Để trong giấc mơ mẹ các anh về trong vòng tay bổi hổi
Để hồn liệt sĩ ấm trong khúc Vu Lan.

Người đàn ông nỗi nhớ rụa ràn
Dép sấp đôi gối đầu, áo mưa làm chiếu ngủ
Đêm Thành Cổ đồng đội về đông đủ
Câu chuyện chiến trường rôm rả râm ran.

Bỗng nháo nhào những giọng nói đục khàn
Đồng chí ơi! tôi nhớ nhà nhớ mẹ
Nhớ đàn em thơ nhớ câu hò xứ nghệ
Nhớ cánh đồng lúa trĩu oằn bông.

Mẹ em khỏe không? Cha em khỏe không?
Nhắn dùm cô ấy đừng chờ nữa hãy lấy chồng
???
Nghẹn ngào chưa kịp thốt, tiếng gà đâu vẳng vọng
Nơi hốc mắt giọt xót xa còn đọng
Người đàn ông bật dậy tay vuột một vòng ôm.

Anh gửi câu trả lời trong ánh sao hôm
Gửi nỗi nhớ vào thơ, gửi khúc ru vào gió
Gửi muôn vàn yêu thương trong màu hoa đỏ
Không đưa được đồng đội về quê hương, anh đưa quê hương vào cho đồng đội thỏa lòng.

Có một người đàn ông
Tấm lòng!
Nồng nàn như dòng sông.

ĐƯA QUÊ HƯƠNG VÀO CHO ĐỒNG ĐỘI
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Giỗ Cha Mẹ Cúng Giữa Mông Mênh Chiều

Nguyên tiêu báo cáo thật thà
Đêm hôm mẹ nhõng nhẽo cha nhiều lần
Ngồi lau nỗi nhớ nhọc nhằn
Ảnh đưa xa ngắm, đưa gần gọi tên.

Sáng này cắp rổ một bên
Ra sau nhà hái rau dền đọt lang
Cải trời, nụ áo mọc hoang
Cha ưa một dĩa tập tàng, thế thôi.

Hàng ba nhớ quá chiều ngồi
Thuốc rê vấn sẵn đầu còi đuôi loa
Gu cha mẹ biết tỏng mà
Hút hơi thuốc, phải bập ba bốn lần.

Kề bên có mấy cội bần
Từ cha biền biệt cỗi cằn chẳng xanh
Chắc là nhớ quá trụi cành
Chỗ xưa có nụ hôn lành và sâu.

Đất Kiên Giang cha nằm đâu?
Để con dòng dọc kêu sầu triền sông
Lung bưng? Rừng rậm? cánh đồng?
Giỗ cha mẹ cúng giữa mông mênh chiều.

GIỖ CHA MẸ CÚNG GIỮA MÔNG MÊNH CHIỀU
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Ai Về Rạch Giá Là Thương

Ba trăm năm trước mà rằng
Nhiều cây giá mọc, rạch chằng chịt bên
Rạch chảy qua giá thắm duyên
Rồi thì Rạch Giá thành tên quê này.

Thuở thời hạn hán đất say
Ruộng khô lá bạc xót cay lòng đồng
Thuở thời chinh chiến cùm gông
Vành đai vàng vọt rộp phồng thịt da.

Hết rồi khói lửa can qua
Về đây lúa trải thảm ra gọi mời
Thảm vườn xanh đọ thảm trời
Chỉ vành đai với em thôi đã tình.

Một con rạch uốn quanh quanh
Mẹ và rẻ mạ đã thành quê hương
Một cầu dừa bắc ngang mương
Bà ba nón lá để vương vấn lòng.

Xứ là xứ rạch lượn vòng
Rạch chảy qua vùng giá mọc/ thành tên
Ba trăm năm trước tiền hiền
Là yêu tình đất dựng nên quê này.

Đêm Rạch giá, không men cay
Mà say trọn những dạn dày tầm cao
Bên phố biển hát rì rào
Bên biển phố đứng tự hào mà vươn.

Ai về Rạch Giá là thương.

AI VỀ RẠCH GIÁ LÀ THƯƠNG
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Hoa Ô Môi Nở Muộn

Anh miết nụ hôn lên cánh hoa
Để mọng hồng môi chị
Bảo rằng chị như hoa Ô Môi dịu dàng thùy mị
Đồng nội chân quê

Chiến tranh dài lê thê
Chiếc áo mẹ chồng tặng dâu ngày coi mắt
Áo màu hoa Ô môi chị chưa kịp mặc
Anh đã phải lên đường.

Đã bao mùa Ô Môi nhớ, Ô Môi thương
Ô Môi dỗi hờn dầm mình dưới dòng kinh nhỏ
Cánh hồng rưng rưng trong mắt gió
Người thương biền biệt nơi nao.

Đêm khao khát, nhớ chao dao
Nghe tiếng gọi “mình ơi!” chị tung cửa lội ào qua con rạch
Đồng trống quạnh hiu, chỉ có vạc sành, chẫu chàng, nhái, ếch
Nỉ non tấu khúc nhớ nhau.

Chị xếp vào thơ những ký tự trộn sắc màu
Hoa Ô Môi – Mối tình đầu và người chồng chưa cưới
Chưa có lễ đón dâu mà người đã về xóm dưới
Làm dâu bốn mươi mấy năm rồi.

Áo màu hoa Ô Môi trong nắng chị phơi
Chiếc áo cưới chưa một lần được mặc
Bão nhớ quần nâu mắt
Hoa Ô Môi vẫn hồng, áo cưới vẫn hồng
Còn môi chị đã bợt bạc với thời gian.

Đêm hồi xuân nỗi nhớ cứ chảy tràn
Chị bấu ngực gầy
Tự mình miết môi mình, tự vuốt ve tình chung thủy
Chiếu chăn cũng say bí tỉ
Ngủ vùi trong yêu.

Bên dòng kinh hoa ô môi nở muộn bung chiều
Sắc hồng pha hoàng hôn lúng liếng
Mắt chị vắt trên bầy én liệng
Chao về nơi có những nỗi nhớ chẳng dịu êm
Nơi rất nhiều những ngôi mộ không tên.

HOA Ô MÔI NỞ MUỘN
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Trang 12 của 16

Bản quyền © 2024 thuộc về tác giả Trần Ngọc Hoà. Các tác phẩm đã được đăng ký và bảo vệ quyền tác giả.