Bút danh: Hoa Hồng

Danh mục: Ca Cổ Trang 5 của 16

Đắp Mộ Cuộc Tình

NHẠC

Xây giấc mộng ban đầu
Yêu người thuở mới đôi mươi, em đang độ trăng tròn
Từng ngày qua phố, áo em trắng cả đường về
Lá thư ướp mộng học trò
Mối tình xanh như khúc hát

Ai đã hẹn với thề
Để rồi lỡ mối duyên thơ ra đi chẳng giã từ
Ngày em thay áo, áo hoa pháo đỏ rượu nồng
Có ai nát cả cõi lòng
Đứng nhìn em bước bên chồng.

Hai mươi năm cuộc mộng dở dang
Khắc sâu bóng nàng, lắng trong cung đàn
Em giờ ở đâu hẳn vui duyên mới?

Hai mươi năm cuộc rượu còn đây
Uống qua tháng ngày, cố quên đi người
Say hoài sầu không vơi
Tình riêng ta tiếc uống thêm ly này.

Ôm giấc mộng lỡ làng
Những chiều lắng tiếng mưa rơi, đêm say chờ trăng tàn
Từng từng thu thay lá, lá rơi đắp mộ cuộc tình
Lá bay chất nặng tuổi đời
Nhớ người ta rót ly này.

Nhớ lắm em ơi! những rung động đầu đời thuở áo trắng tinh khôi tuổi học trò lưu luyến. Tóc dài bay cho lòng anh xao xuyến để rồi nhớ nhớ thương thương da diết ở trong…

VỌNG CỔ

1-…lòng.
Môi tuổi tròn trăng màu của đoá sen hồng.
Cứ nũng nịu cho lòng anh say đắm, cứ mọng mềm để lạc cõi si mê (-)
Câu thề bên nhau đắng, ngọt, sẻ chia, mới đây thôi em đã vội quên rồi.
Buồn thói đời vong phụ đãi bôi, anh đắp mộ cuộc tình chôn sầu quên thương nhớ.

DẠ KHÚC (đoạn đầu)

Em có hay – những đêm gió lùa
Ánh trăng chui vào song cửa
Nhắc em ơi nỗi sầu đôi lứa
Ta giờ mỗi đứa
Một hướng xa vời
Lời xưa ai hứa
Giờ đã theo gió mây bay rồi.

2- Mấng cô dâu em đội ngày lễ cưới, màu cánh phượng ngày nao ép cánh bướm tuổi học trò.
Em nói rằng em sẽ đợi sẽ chờ.
Vậy mà nay em sang thuyền bỏ bạn, để tôi một mình với nỗi nhớ riêng mang (-). Cuộc mộng giờ đành thôi đã dở dang, gom nổi đau cuộc tình anh đắp mộ.
Cuộc rượu này đắng môi cay mắt, đã cạn ly lòng sao sầu chẳng hề vơi.

DẠ KHÚC (đoạn cuối)

Mưa cứ rơi, cứ rơi, ướt mèm
Nỗi thương nhớ cùng nước mắt – giấu trong mưa nghe lòng quặn thắt
Tiếng thu hỏi đâu ở đâu? Nào nơi nào?
Gió lay lá kìa bên rào
Hỏi rằng người ơi! – sao đành vong phụ tình tôi
Quên câu thề, ngày nao ước hẹn
Mai này tình ta – yêu suốt đời không hề lìa xa.

(Trở về vọng cổ)
Rượu mềm môi hết chung này ta lại rót
Cố quên em ta đắp mộ cuộc tình.

Ta ngồi gom hết thu vàng
Thu rơi bao lá ta yêu nàng bấy nhiêu
Cố quên mà lòng vẫn nhớ nhiều
Mộ tình vong phụ đắp bên chiều tàn thu.

ĐẮP MỘ CUỘC TÌNH
Nhạc: Vũ Thanh
Cổ: Trần Ngọc Hoà

Thề Non Hẹn Biển

NHẠC

Nữ: Hai chúng ta đã yêu nhau nồng nàn
Nhưng lấy gì để minh chứng con tim
Anh hứa đi anh, hứa với em một lời
Dù chỉ một lời để em vững lòng hơn.

Nam: Em chớ lo chi trái tim anh luôn một lòng
Không bao giờ lại đổi trắng thay đen
Anh hứa với em sẽ yêu em trọn đời
Tròn một đời mình bên nhau mãi không rời.

Nữ: Anh có thấy gì không? Hoàng hôn vẫn thả tím hồng pha, như còn chưa muốn rời xa luống cà vồng ớt. Bởi còn luyến lưu những non xanh mà mượt của một miền quê mưa nắng chỉ hai…

VỌNG CỔ

1- …mùa.
Nam: Để cảnh sắc cứ lung linh trong muồi ngọt câu hò.

Nữ: Hò ơ…
Hỏi hoàng hôn mai chiều gặp lại
Có xa lâu bao giờ mà luyến mà lưu
Hỏi cò cõng nắng đi đâu
Để chiều nhuộm tím nỗi sầu trong em.

Đôi khi biết mình đã hiện diện trong tim
Nhưng vẫn muốn nỉ non nũng đòi anh câu hứa.

2-

VĨ TRĂNG THU

Nam:
Rằng anh xin hứa trọn đời
Yêu em không hề phai nhạt
Rằng luôn chung thuỷ vẹn gìn
Trong tim em là số một
Nữ:
Thiệt hông? Anh nhớ nghen
Rằng mong anh chớ quên.

(Về vọng cổ câu 2)

Nam: Em nhìn kìa! Cò mượn nền trời kí hoạ đồng quê, thi trắng với bông tràm bên rừng chiều vũ khúc.
Nơi chảng ba có mái nhà hạnh phúc, có nụ hôn đời ướp ngọt vị phù sa.

NHẠC

Nữ: Ôi bao lời đầu môi vẫn luôn thường gian dối
Có ai mà tin hết những câu hẹn hò

Nam: Anh xin thề cùng non ngàn cùng biển khơi
Không bao giờ gian dối lọc lừa em ơi.

Nữ: Hai chúng ta dẫu cho nay còn nghèo
Em chẳng sợ điều gian khổ gieo neo

Nam: Em ước mong sao chúng ta luôn thuận hoà

Nữ: Dù đời nghèo mà tình yêu mãi mặn mà.

Nam: Em ơi dù cò có cõng nắng đi đâu sáng vẫn vỗ nhịp ca dao chiều vẫn bay về tổ ấm. Nơi có có dòng Cửu Long ướp phù sa tưới tắm, tẩm vào da vào thịt đứa quê…

VỌNG CỔ

5-…mùa.
Nơi nam non vờn ngọn cỏ nô đùa.
Nơi cội bần vẫn chung tình bên mé quê kinh rạch, nơi bìm bịp vẫn kêu chiều khi con nước vừa lên.

Nữ: Nơi điên điển vàng soi nước nổi mông mênh, nơi có chiếc cầu tre chiều mẹ về trĩu gánh.

Nam: Nơi dòng dọc xây những công trình bằng cỏ mặn, nơi có lu nước tình thương ai đó đặt ven đường.

LÝ MỸ TRÀ

Nữ: Dẫu gieo neo/ vẫn luôn yêu/ bờ quê nếp nhà
Nam: Tình đôi ta/ là bài ca/ son sắt không phai
Nữ: Như cánh cò/ trong câu hò/ giãi dầu mưa nắng
Nam: Dẫu nếm bao ngọt đắng/ gió giông lòng vẫn
Yêu suốt đời/ chỉ em mà thôi.

(Trở về vọng cổ câu 6)

Nữ: Đã yêu rồi chàng trai quê mùa chân chất
Da tẩm mùi quê mà cái bụng thiệt thà.

Nữ: Không là trời rộng bao la
Nam: Cũng là vồng đất, cho cà trổ bông
Nữ: Không là biển hay dòng sông
Nam: Cũng là ao nhỏ cho muống đồng khoe duyên.

THỀ NON HẸN BIỂN
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Ngày Không Em

NHẠC:

NỮ: Một ngày không em, anh có buồn không?
Sao rơi trên trời ai đếm cùng anh

NAM: Mong manh giây phút đầu tiên
Long lanh đôi mắt lệ rơi
Tạ từ ta xa cách nhau

NỮ: Đường đời hôm nay chỉ có mình em
Mai nơi phương trời đôi ngả biệt ly

NAM: Xin cho anh nắm bàn tay
Ôm em cứ ngỡ là mơ

NỮ: Ngày không em, anh phải làm sao?

NAM: Trời làm đôi ta xa cách
Biết em về còn nhớ tôi không?

NỮ: Thiệp hồng uyên ương tươi thắm
Đêm huy hoàng đau nhói tim ai

NAM: Người về phương xa xa lắm
Những ân tình này trả cho em

NỮ: Ngày về em cô dâu mới
Anh thẫn thờ…khắc khoải niềm…đau.

NAM: Chỉ là những hạt mưa ngâu rơi giữa đêm thâu mà sao quất vào da nghe đau và lạnh buốt, rồi ngày không em ai sẽ cùng anh dạo gót, ai cùng đếm lá me rơi ai cùng nghe chim hót, ai run rẩy một vòng tay để môi cùng lả lướt, rồi nũng nịu làm duyên rồi nón lá che nghiêng tóc buông dài óng mượt, để cho nụ cũng bung hoa, để cho lá cũng ghen…

VỌNG CỔ

1/-…hờn.

NỮ: Nhắc nữa mà chi, nhắc chỉ thêm buồn.

NAM: Anh đã đếm chiều rơi trong khúc nhạc
Khúc nhạc không lời tình lỡ nên tình xa

NỮ: Tình xa nào mà sầu không đọng ở môi ta
Tình lỡ nào lệ không trào qua mi mắt

NAM: Ngày không em con chim săn sắt gọi thương
Hoa mua cũng bung buồn cùng hoàng hôm buông tím.

NGÂM DẶM:

NỮ: Ngày không em nắng rơi buồn
Con bìm bịp cũng gọi thương mỗi chiều

NAM: Để cho ai xót xa nhiều
Ngồi bên hiên nhớ cuộc yêu không thành.

2- NỮ: Người trách hoàng hôn tím gì mà tím rịm
Để cạn ngày đêm buông ngồi ôm kỷ niệm một mình.

NAM: Ôm kỹ niệm làm chi cho thêm lắm tội tình.

CHIÊU QUÂN

NỮ: Nghe trong chiều
Mưa trút cạn

NAM: Thương nhau nhiều
Sao đành đoạn

NỮ:: Bày chi – câu duyên phận
Rồi chia ly để đau khổ cho người

NAM: Ta quên sầu bằng men đắng cay thôi
Em theo người – về nơi xứ lạ

NỮ: Cuộc tình duyên mây gió cuốn đi rồi.
Thôi thôi thì, thôi thế là thôi

NAM: Câu thề – đứt đôi chỉ còn lại
Một khúc ca tình lỡ để đau đời.

(Về vọng cổ câu 2)

NỮ: Hết rồi còn đâu chỉ còn vầng trăng vỡ
Bởi đôi mình không duyên nợ đành xa . . .

NHẠC:

NAM: Trời làm đôi ta xa cách
Biết em về còn nhớ tôi không?

NỮ: Thiệp hồng uyên ương tươi thắm
Đêm huy hoàng đau nhói tim ai

NAM: Người về phương xa xa lắm
Những ân tình này trả cho em

NỮ: Ngày về em cô dâu mới

NAM: Anh thẫn thờ…khắc khoải niềm…đau.

NỮ: Tình xưa hai đứa nhớ mãi người ơi
Mai nơi phương trời xa cách lòng nhau

NAM: Yêu em tôi chúc một câu
Trăm năm xin giữ bền lâu
Đừng như tôi đêm đếm sầu rơi
Đừng như tôi…đêm đếm…sầu đau.

NỮ: Đêm người đếm sầu đau còn tôi gục đầu trong day dứt. Nghe nhịp nhớ nhịp thương cùng nhịp sầu thổn thức, mộng ảo mông lung giữa đôi bờ hư thực, rồi hỏi bởi…vì đâu ta làm đứt mối duyên…

VỌNG CỔ

5-… đầu.

NAM: Giọt sương rơi trên lá trâm bầu

NỮ: Mà tôi ngỡ như giọt sầu tê tái
Khóc cho mối tình đầu vì đâu phải chia xa.

NAM: Em bây giờ đã là vợ của người ta
Tôi ngồi hát bản tình xa cùng men đắng

NỮ: Ngày không em anh rơi vào xa vắng
Em cũng có vui đâu buồn chết lặng ở trong lòng

LÝ MỸ TRÀ

NAM: Trái tim tôi – hoá đơn côi – ngày em lấy chồng

NỮ: Sầu biệt ly – ngày em đi – nước mắt hoen mi

NAM: Thôi nhé đừng – thôi nhé đừng – nhớ về nhau nữa

NỮ: Cố – gắng quên người nhé – không duyên là thế

NAM: Xin chúc người – mối duyên bền lâu.

(Về vọng cổ câu 6)

Đừng như tôi đêm đếm sầu dang dở
Đừng như tôi mãi khổ với tình đầu.

NỮ: Mình xa nhau bởi vì đâu

NAM: Vì anh tay trắng nên gánh sầu biệt ly

NỮ: Bên em nỗi nhớ cứ rậm rì

NAM: Bên anh sầu dang dở bởi vì – ngày không em.

NGÀY KHÔNG EM
Nhạc: Minh Vy
Lời cổ: Trần Ngọc Hoà

Đổ Thừa

NGÂM THƠ

NAM: Mây chiều nay, mọng nước rồi

NỮ: Sầu giăng tứ phía nên trời làm mưa

NAM: Sông quê bến hẹn ngày xưa

NỮ: Mình tôi vọc nhớ vừa lòng ai.

LÝ SON SẮT

NAM: Trên bến sông ai chờ
Con nước trôi lững lờ

NỮ: Chiều lục bình trôi trôi
Màu tím buồn chơi vơi

NAM: Anh bước đi theo người
Mà tim nghe đớn đau tơi bời

NỮ: Chiều nay đoá hoa quê buồn
Buồn tình xa – nên tím hơn cả hoàng hôn

NAM: Ngày anh bước đi theo người

NỮ: Chùm hoa quê héo hon…không còn tươi.

NAM: Đừng khóc nữa em ơi! đừng để cay đắng tràn môi bởi vì chứ hiếu thôi nên cam đành người một lối. Cho anh xin được lau lệ chia phôi, và ngàn lần xin lỗi, đừng hỏi tại làm sao…và cũng đừng hỏi bởi vì đâu mối duyên đầu tan vỡ – Đành thôi em ơi! đành ta chia phôi…lòng đau xót khôn nguôi, bởi tiếng đời tham sang phụ khó, ham đài các kiêu sa mà gieo khổ cho…

VỌNG CỔ

1-… người.

NỮ: Anh gặt hạnh phúc cùng ai, còn tôi đếm khổ bên trời.

NAM: Em đếm khổ trong cơn mưa rả rích
Anh có hơn gì vọc buồn trong vũng sầu đêm.

NỮ: Càng cố quên lòng lại càng nhớ nhiều thêm
Mối tình đầu tiên của tuổi học trò.

NAM: Áo trắng sân trường tuổi mộng tuổi mơ
Lời tỏ tình bằng thơ lén kẹp vào trang vở.

PHI VÂN ĐIỆP KHÚC

NỮ: Nhắc chi thêm buồn – người ơi – cho sầu rơi
Đắng môi nhói lòng – má hồng – phôi phai còn đâu.

NAM: Đau – Anh nghe lòng nhói đau – ước mơ ban đầu
Hẹn hò cùng nhau – ngày xe hoa – rước em về làm dâu.

2- NỮ: Đã hẹn cùng nhau ngày anh làm chú rể
Áo dài khăn đóng chân quê, màu đất quê mình.

NAM: Áo cô dâu màu hoa tím lục bình.

NỮ: Đủng đỉnh giăng kết mành cổng cưới
Cô dâu dịu dàng bên chú rể mộc mà sang.

NAM: Một sắc màu dân dã toả lan
Còn hạnh phúc nào ngọt ngào hơn thế.

NỮ: Nhưng trời ơi! Giờ người đi bên chú rể
Là một dáng trang đài mà không phải là em.

VĨ TRĂNG THU

NAM: Nhìn em — đôi mắt rưng sầu
Lòng anh – nghe chừng thắt quặn

NỮ: Từ nay – đôi lứa đôi đường
Mình tôi – gánh sầu bao chặng

NAM: Thôi về đi – hỡi em
Đừng nhìn theo…đau xót…thêm.

5- NỮ: Người hãy cứ đi đi đừng ngoái lại làm chi hãy để tôi được nhìn lần cuối một bóng lưng qua giọt lệ sầu bi của người từng thầm thì vào tai tôi nói rằng yêu tôi nhất. Bóng lưng ấy hôm nay không phải khoác chiếc áo dài màu của đất, mà khoác lên chiếc áo kẻ vong…

VỌNG CỔ

5- …tình.

NAM: Anh bước đi mà nghe rệu rã lòng mình.

NỮ: Đoá lục bình vẫn vạch lòng ra nở
Tím cả lòng chiều mà sao không níu được bước người đi

NAM: Con thuyền tình đã rời bến sông quê
Vì chữ hiếu nên anh thành người phụ rẫy.

NỮ: Phụ đoá hoa quê rước về kiêu sa lộng lẫy
Để hoàng hôn cũng tím rịm buông buồn.

MÁI AI

NAM: Người đi rồi – Người ở lại

NỮ: Ôm khổ một mình
Ngồi trách kẻ phụ tình
Phụ một đoá hoa quê

NAM: Cho anh – lau lệ sầu bi

NỮ: Thôi người cứ đi đi
Hãy để – tôi một mình
Trôi dập dềnh lênh đênh

NAM: Lòng anh đau như thể
Có ai xé ai dầm
Ai cắt ai bằm
Mưa lạnh lòng lâm thâm.

NỮ: Người đi trong hạnh phúc
Con tôi nở tím sông chiều

(Trở về vọng cổ)

NAM: Xin lỗi em ngàn lần xin lỗi
Quên anh đi cho đời bớt tội tình.

NỮ: Làm sao xoá được bóng hình

Mà tim đã khắc mối tình đầu tiên

NAM: Đổ thừa không nợ không duyên

NỮ: Đồ thừa giông lốc nên thuyền tình dạt xa.

ĐỔ THỪA
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Quê Hương Là Dáng Mẹ

LÝ NĂM CĂN

Ngày con hướng phía trời Nam, hành trang có dáng Miền Trung
Lay lắt xa quê bao năm, càng thương nhớ thương sâu đậm
Miền trung như dáng mẹ tôi, trời trưa dang nắng đồng phơi
Áo đẫm mồ hôi…trắng áo mẹ rồi.

Mẹ ơi! Ròng rã bao năm con vấp cuộc mưu sinh xuôi ngược lênh đênh bước chân đời lữ thứ. Nếu như miền Nam trong lòng con là duyên nợ, thì Miền Trung trong tim con là tình yêu muôn thuở chẳng phai…

VỌNG CỔ

1-…nhoà.
Nơi có tình người thuỷ chung chân chất thiệt thà.
Có dòng phù sa chảy về phía biển, có hạt nảy mầm từ những vun vén chắt chiu.
Đất nẻ, lưỡi cày cong, thương biết bao nhiêu, bên bếp quê mẹ nhóm đỏ lửa chiều.
Sợi khói về trời mang hương rạ rơm thơm, mang cả mùi cần lao từ cằn khô sỏi đá.

NGÂM DẶM

Con vấp cuộc mưu sinh đành gửi lại
Dáng mẹ hiền, dáng của quê hương
Đêm xa xứ trở mình nghe thương lạ
Hẹn ngày về cho thoả nỗi nhớ thương.

2- Trên giải đất cong cong hình con sóng, miền Trung oằn vai trĩu gánh hai đầu.
Mặt hứng bão giông, lưng rát rạt gió lào.
Cha quảy nỗi thâm trầm hôm sớm, mẹ bươi quào chai rát đôi tay.
Giãi dầu quần quật sớm mai
Mà sinh ra những nhân tài cho quê.
Áo tơi và chiếc nón mê
Mà tình lành lặn, câu thề vẹn nguyên.

6- Cánh đồng vừa qua cơn bão lũ mưa giông, cha mẹ lại cày cho tơi từng thớ đất.
Lúa lại vươn lên oằn bông no hạt, những cánh cò lại vỗ nhịp ca dao.
Ơi miền Trung biết mấy tự hào, con chỉ muốn hát, quê hương là dáng mẹ.
Bao khói lửa can qua vẫn kiên cường mạnh mẽ, bấy hạn hán thiên tai mà vẫn can trường.

Mai con về bên quê cha đất tổ
Ôm đụn rơm nghe mùi mặn ruộng đồng
Hạnh phúc nhấm, khề khà chung rượu đậm
Rót tràn tình, tâm sự chuyện Miền Trung.

QUÊ HƯƠNG LÀ DÁNG MẸ
Thơ: Huỳnh Nhân
Vọng cổ: Trần Ngọc Hoà

Nhỏ Ơi

NHẠC

Lần đầu ta gặp nhỏ
Trong nắng chiều bay bay
Ngập ngừng ta hỏi nhỏ
Nhỏ bảo nhỏ không tên
Ừ thì nhỏ không tên
Bây giờ quen nhé nhỏ
Nhỏ ơi !
Lần này ta gặp nhỏ
Trong nắng chiều bay bay
Ngập ngừng ta hỏi nhỏ
Nhỏ bảo nhỏ chưa yêu
Ừ thì nhỏ chưa yêu
Bây giờ yêu nhé nhỏ
Nhỏ ơi!

Ừ thì không tên…bây giờ quen nhé nhỏ? Kìa nắng chiều bay bay ngập ngừng như muốn ngỏ, điều gì nhỏ…ơi?… mà xao xuyến cứ giăng…

VỌNG CỔ

1-…trời.
Mới gặp mà đã như mắc nợ tự bao đời.
Nhỏ nguýt nhẹ cho lòng anh rạo rực, nhỏ mỉm cười anh run bần bật vì nét duyên.
Phụng phịu má đào cho yêu chật buồng tim, một ánh nhìn nhấn anh chìm trong đáy mắt.
Tóc đờ mi ai tém để vấn vương, áo dài bay bên đường ơi thương quá.

Vĩ Trăng thu dạ khúc

Nhỏ ơi! Anh đã yêu rồi
Lung linh đôi bờ môi mọng
Là yêu yêu chiếc eo gầy
Là yêu mắt bồ câu đẹp
Một rèm mi vút cong
Tâm hồn kia trắng trong.

2- Lần này nhỏ ơi! Tình cờ ta gặp nhỏ, cũng trong nắng chiều bay ta hỏi nhỏ nhỏ ngập ngừng.
Nhỏ bảo chưa yêu rồi e ấp thẹn thùng.
Ừ thì chưa yêu bây giờ yêu nhé nhỏ? Kìa gió đang hôn mềm lá cỏ nụ tình xuân.
Có phải yêu lần đầu nên dạ cứ lâng lâng đêm nhớ nhỏ nghiêng bên nào cũng thiếu.
Có phải ta cơ hàn nên tình bạc bẽo, phán đời này mang số kiếp yêu đơn phương.

NHẠC

Lần này nhỏ quay đi
Không thèm nhìn ta nữa
Giọt sầu rơi một mình
Chỉ còn ta một mình
Nhỏ ơi!
Còn gì đâu hỡi nhỏ
Trong nắng chiều phôi phai
Kỷ niệm ta cùng nhỏ
Giờ chỉ là hư vô
Ừ thì là hư vô
Xa rồi vẫn nhớ hoài
Nhỏ ơi!

Lần này nhỏ quay đi không thèm nhìn ta nữa. Mây như ngừng bay chiều như vụn vỡ hoá giọt sầu rơi buồn đọng vũng bên…

Vọng cổ

5-…đường.
Lạnh lòng ta lạnh cả phố phường,
Ta thất thểu cúi đầu đếm bước, nghe tim mình gõ nhịp đơn côi.
Xa thật rồi buồn lắm nhỏ ơi! Chuyện chúng mình giờ chỉ còn là kỷ niệm.
Chỉ còn hư vô ừ thì hư vô truyện, có như không không như có rạc lòng.

NHẠC

Tình cờ ta gặp nhỏ,
Trong nắng vàng ban mai
Thẹn thùng ta hỏi nhỏ
Nhỏ bảo khờ ghê đi
Ừ thì khờ ghê đi
Thương rồi sao chẳng hiểu
Nhỏ ơi!

(Trở về vọng cổ)
Ừ thì khờ ghê vì khờ nên chẳng hiểu
Con gái làm thinh, là bụng đã ưng rồi.

Trên cành chim sáo có đôi
Dưới sông dưới rạch cá bơi có đàn
Dẫu đời còn lắm gian nan
Cứ yêu cho thật nồng nàn nhỏ ơi!

NHỎ ƠI
Nhạc: Quang Nhật
Lời cổ: Trần Ngọc Hoà

Đôi Móc Xích Và Đôi Vai Mẹ

NGỰA Ô NAM

Tin mẹ bệnh làm lòng con se thắt
Phương Nam ngó về phương Bắc mắt đỏ…hoe.
Gió ru buồn trên mấy rặng tre
Bước hành quân, cứ chập chờn một bóng mẹ quê
Gánh trĩu oằn lưng đê
Gánh mấy mươi năm đòn đã thay bao bận
Mà vai chỉ mãi đôi bờ
Bờ vai nhỏ gầy gò
Con cứ rờ rờ hai mảng vai chai
Rồi khoé mắt cay cay
Hai mươi mấy năm con quân ngũ xa nhà
Nay tuổi mẹ đã chiều tà
Tháng ba rét nhiều mẹ bệnh
Xót lòng con trẻ nơi xa.

Qua đợt diễn tập hành quân đơn vị cấp phép một tuần con vội về thăm mẹ. Ôm lấy đôi vai một đời gánh gồng dâu bể mà lòng con đau như thể ai…

VỌNG CỔ

1-…dằm.
Đôi vai chẳng còn trầy đau chẳng còn rướm máu chẳng còn bầm.
Bởi nó đã chai, chai từ cái thuở, mẹ gánh nước mướn kiếm tiền nuôi cả đàn con.
Nắng giãi mưa dầm lòng mẹ vẫn sắt son, chung thuỷ với bờ quê như hoa muống hoa cà.
Cha vào du kích, một mình mẹ bôn ba, mái lá liêu xiêu đàn con thơ nheo nhóc.

NGÂM DẶM

Mẹ như đôi cánh cò gầy
Cõng năm đắng đót cõng ngày bể dâu
Nắng mưa nhuộm trắng mái đầu
Nhọc nhằn mẹ gánh khổ đau mẹ gồng.

2- Tuổi huốt chín mươi mẹ như ngọn đèn leo lét, như trái chuối nàng hương chín rục chín muồi.
Sợ các con lo dù mệt lắm mẹ cũng cười.
Ơi nụ cười bao dung nhân hậu, xen lẫn tự hào vì đã trọn vẹn với các con.
Ngày cha khuất núi lòng mẹ héo hon, đôi nước nặng gấp ba ngày thường mẹ gánh.
Hoàng hôn quê cũng ngậm ngùi chết lặng, nhìn mẹ một mình phải gánh chín đứa con.

LÝ NĂM CĂN

Giờ đây nắng nướng giòn trưa
Mà con! Đôi mắt dầm mưa
Đôi móc xích quê năm xưa
Và đôi vai chai của mẹ
Đàn con lem luốc mẹ nuôi
Bằng bao nước mắt mồ hôi
Chín đứa mẹ ơi
Khôn lớn thành người.

Đàn con chín đứa mẹ nuôi
Bằng bao nước mắt mồ hôi
Dâng Tổ quốc mẹ ơi
Ôi quá… tuyệt vời.

Con đứng đây mà lệ cứ trực trào khi mắt nhìn vào nơi góc bếp. Một đôi móc xích cũ mèm gỉ sét được mẹ treo ngay ngắn ở trên…

VỌNG CỔ

5- . . . tường.
Kỷ vật thời khó khăn gian khổ trăm đường.
Đôi móc xích đã theo mẹ từ ao làng ra ruộng, tưới cho hoa màu ngày hạn hán cằn khô.
Rồi những đêm các con say giấc ngủ khò, mẹ lén ra giếng làng gánh đổ cho đầy bể.
Gánh nước mướn, trồng rau, chăn nuôi làm ruộng, vậy mà chín đứa con đều vẫn được đến trường.

6- Cứ tới mùa giáp hạt là mắt mẹ lại trũng màu lo, sợ các con đói, lòng mẹ thắt.
Sang làng bên mẹ năn nỉ người cho vay thóc, một yến tới mùa trả một yến rưỡi có khi hơn.
Lấy lòng người và cũng là để trả ơn, mẹ gánh vài khối nước không công cho chủ nợ.
Nay các con trưởng thành mẹ không còn khổ nữa, đôi móc xích gợi bao gian khó một thời.

Đôi móc xích với đôi vai
Là đôi bạn của một thời gian nan
Vai chai móc xích gỉ vàng
Nhìn rồi con để lệ tràn đẫm mi.

ĐÔI MÓC XÍCH VÀ ĐÔI VAI MẸ
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Về Miền Tây

NHẠC:

Nam: Miền Cần Thơ gạo trắng nước trong, vui niềm vui ấm no cuộc sống.

Nữ: Miền Đồng Tháp ruộng lúa mênh mông, yêu tình yêu thắm duyên mặn nồng.

Nam: Ai qua Tiền Giang xuống phà Mỹ Thuận.

Nữ: Ai đi Hậu Giang đến bắc Cần Thơ.

Nam: Đi về Minh Hải hay đi về Kiên Giang.

Nữ: Đi về Sa Đéc hay là về An Giang.

Nam: Miền Tây ơi! Vựa lúa miền nam hai mùa mưa nắng.

Nữ: Miền Tây ơi! Sông nước Cửu Long chín nhánh phù sa.

Nam: Đất lành khắp chốn nở hoa vun bồi mạch sống mượt mà…môi em.

NỮ: Chỉ câu vọng cổ đồng quê hay chiếc cầu tre có dáng mẹ về cùng đôi quang gánh. Hay tiếng bìm bịp kêu phía đồng lung chia tay nắng, mùi ơ cá thơm bưng khói lượn trắng bếp quê…

VỌNG CỔ

1-…chiều.
Miền Tây trong ta cũng đủ mến thương nhiều.

NAM: Hay một tiếng gọi đò ơi bên sông vắng – em nón lá nghiêng chiều cũng xao xuyến lòng ta.

NỮ: Gió thu vờn đôi tà áo ba ba – Ai ngân nga câu hò ngọt hương đồng.
Sông rạch như rồng uốn lượn cong cong, chín nhánh phù sa chảy dòng thương nhớ.

ĐOẢN KHÚC LAM GIANG (Đoạn giữa)

NAM: Yêu thật nhiều Miền Tây
Ai đó – đã qua đây
Thương nhớ – luôn đong đầy
NAM: Lòng ngà ngà say
Dù chưa rót men cay

NỮ: Về với Miền Tây
Nghe tiếng vọng đồng bưng hát lời
Khua mái dầm cùng vớt tiếng cười.

NAM: (về vọng cổ câu 2)

Bơi xuồng vớt trăng trong nước nổi mênh mang
Cùng hái hoa vàng nở trên nước bạc
Bông súng tím để đồng bưng dào dạt
Yêu quá nơi này nên sáo hót điệu quê.

NHẠC:

NỮ: Vầng trăng lên theo bước chân đi, qua đường quê mấy nhịp cầu tre.

NAM: Hàng cây xanh in bóng nghiêng che, quanh vườn ao đóm khuya lập lòe.NỮ:

Ai đi miền xa nhớ về quê nhà.

NAM: Thăm con đường xưa bến cũ miền Tây.

NỮ: Tiếng cười giọng nói trong có tình thân thương, câu hò câu hát nghe dạt dào…quê hương.

NAM: Là giọng tài tử ngọt ngay hay giai điệu của Miền Tây thiết tha mời gọi . Song loan gõ vào lòng ta nhịp quê hương bổi hổi, ai đã bẹo một chùm duyên trên chợ nổi quê…

VỌNG CỔ

5-…này.

Người miền Tây chân chất mà tình đầy.

NỮ: Khi ráng chiều nhuộm hồng sông nước – ghe chẹt cắm sào neo đậu bến quê.

NAM: Chị Ba mớ cóc ổi, anh Sáu dĩa le le

NỮ: Cô Hai ké khô nhái, Má Bảy hùn nồi cháo vịt

NAM: Ca xoay vòng cho đời tan mỏi mệt, tình miền Tây chở khẳm chẹt sông chiều.

VỌNG KIM LANG:

NAM: Ta đến thăm Miền Tây – yêu quá quên về

NỮ: Yêu cống xang xự xề, tình người nết quê thiệt mê

NAM: Yêu quá câu tỏ tình – thương thời – tới luôn không thì de.

NỮ: Yêu từ lung tràm qua vàm sông vắng – lúa hương dạt dào
Xuồng bơi trong khúc ca dao

NAM: Có xanh mướt xanh rặng dừa – dịu dàng – soi gương cù lao

NỮ: Có tô canh chua rô mề, súng đồng, ngon không thể chê

(Về vọng cổ câu 6)

NAM: Có những chiếc lu, căn chòi bên đường vắng
Ai lỡ đường nghỉ chân, ai khát mời dùng.

NỮ: Miền tây xa mà lại gần
Lỡ đường ta ghé, như người thân mới về

NAM: Trong nhà sen súng rô trê
Mang ra đãi hết, chuyện gì tính sau.

VỀ MIỀN TÂY
Nhạc: Tô Thanh Tùng
Vọng cổ: Trần Ngọc Hoà

Văng Vẳng Lời Cha

(Lối vào Phụng hoàng)

Ngày này cách đây hai mươi sáu năm
Tỳ bà đứt dây khói hương bay nhoè mắt
Mây hạ chiều đưa cha về cõi phật

PHỤNG HOÀNG (4 câu)

Ngày cha hoá vạt đồng hoá đất ruộng…quê.
Có hai tiếng “mình ơi” thoảng thốt
“Con cháu đủ đầy chỉ thiếu mình trai út
Con nó chưa về sao mình vội vã ra đi”
Sắp tới ngày con thi
Bệnh đã nặng đi mà cha dặn cả gia đình
“Không đứa nào được biên thư cho nó biết
Để nó được yên lòng mà hoàn thành cho tốt kì thi.”

Cha ơi! khi con nhận được thư nhà báo tin cha đã ngàn thu yên giấc. Thì cũng là ngày mẹ đang cúng cha bảy thất, lệ cố nuốt vào trong nhưng tiếng nấc bật ra…

VỌNG CỔ

1-…ngoài.
Là lính cha ơi! Con cố nén đến mệt nhoài.
Lòng nghe đau cổ họng nghe nghèn nghẹn, lời cha dặn năm nào cứ vẳng vẳng bên tai.
“Vào quân ngũ phải chăm chỉ miệt mài, ráng mà luyện tập chấp hành kỷ luật.
Nhớ trau dồi kiến thức nhé con, có thời gian thì nhớ ôn thêm ngoại ngữ”.

NGÂM DẶM

Bão giông bật trốc gốc đa.
Mồ côi như chiếc tì bà thiếu dây
Chiều quê in bóng hạ gầy
Mà con cứ ngỡ đông đầy rét căm.

2-
Hôm con nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học, cha mừng vui đến mất ngủ mấy đêm liền.
Nhưng niềm vui vội tắt trong ánh mắt cha hiền.
Con không học mà đăng ký lên đường nhập ngũ, cha giận mấy ngày mất ngủ bỏ ăn.
Bởi con đông nhà lại nghèo nàn, mà thằng út đậu đại học rỡ ràng dòng họ
Vậy mà sao dám cãi lời cha nó, bỏ học lên đường nhập ngũ tòng quân.

LÝ NĂM CĂN

Rồi cha cũng hiểu lòng con
Mẹ lo chạy đáo chạy đôn
Lợn giống mới mua hai con
Mẹ rao bán lo con học
Rồi đi khắp cả làng vay
Lòng con đâu nỡ mẹ ơi
Nước mắt chực rơi
Con quyết dừng rồi.

Ngày cha đi gãy nhịp khúc dân ca giàn bí chẳng trổ hoa đàn tỳ bà dây đứt. Con gà trống sáng ra bỗng im lìm không báo thức, Muống úp mặt bờ ao khóc ngất gọi ơi . . .

VỌNG CỔ

5-…mình.
Mấy mươi năm sống trọn nghĩa vẹn tình.
Trong lòng cha mẹ là hoa muống, mộc mạc dịu dàng chung thuỷ với bờ ao.
Với mẹ cha là cơn gió lao xao, quạt mát mẹ những đêm hè oi ả.
Đi bên nhau đã bao năm áo rách, vẫn ngọt cung thương vẫn lành lặn câu thề.

NGÂM DẶM

Cha ơi cha lạnh con thương
Áo quan đâu ấm bằng giường nhà ta
Giờ này con ở nơi xa
Cha đi con chẳng ở nhà tiễn đưa.

6- Nay là giỗ lần thứ hai mươi sáu của cha, cũng là lần thứ ba lính được về dự giỗ.
Đơn vị đóng quân cách nhà gần hai ngàn cây số, trực cao điểm không về để cha ngóng mẹ trông.
Không được thắp hương bên di ảnh con thắp hương lòng, hương khói miền Đông theo mây bay về phương Bắc.
Gió hạ ấm sao lòng con lạnh ngắt, nỗi nhớ cha cứ giăng mắc tư bề.

Con đã thuộc lòng những lá thư quê
Một tháng hai bức cha gửi con đều đặn
Lời của cha cứ đâu đây văng vẳng
Và rộn ràng theo mỗi bước con hành quân.

VĂNG VẲNG LỜI CHA
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Mừng Sinh Nhật Bác

LỐI VÀO NGỰA Ô NAM

NAM: Kìm đã dạo rồi , phím lõm cũng hoà theo
Sáo trúc, đờn tranh, đờn cò cùng trỗi.

NỮ: Bài vọng cổ em mở đầu bằng câu nói lối.

NAM: Anh tiếp lời bằng bản ngựa ô…nam.
Hát về người và đất An Giang.

NỮ: Bấy chặng gian nan – kiên cường khí phách trung can
Nay trang sử vẻ vang – lối chúng con đi có đuốc hồng soi rọi

NAM: Lần theo dấu vết của Người – hy sinh cả một đời.
Trái tim người luôn đập vì dân – vì Tổ quốc quên thân.

NỮ: Nay hoa công ơn đua nở rợp trời – bên ảnh Bác tươi cười
Toàn dân mừng sinh nhật – đường đỏ rực cờ sao.

NAM: Nông dân An Giang trong vũ điệu rộn ràng mừng sinh nhật Bác. Vũ điệu của Sà Rông trên cánh đồng trĩu hạt, cùng duyên dáng áo bà ba vui mùa gặt bội thu…

VỌNG CỔ

1-…về.

NỮ: Vũ điệu của cần lao gian khó không nề.

NAM: Của những con người hăng say sản xuất – cho vựa lúa quê này ngày một vun cao.

NỮ: Nét truyền thống Việt trên dải lụa Tân Châu – Cô gái Chăm dệt tình Châu Giang vào Thổ Cẩm.

NAM: Những đôi bàn tay chạm khắc yêu nghề, khắc hồn quê chạm tình chợ Thủ.

VĨ PHI VÂN ĐIỆP KHÚC

NỮ: Có – áo xanh biên phòng – canh trời biên giới

NAM: Bếp ăn không đồng – tình Chợ Mới

NỮ: Long Xuyên dáng hình – phồn vinh – cao tầng phố vươn
Về Nhơn Hưng – cô trò gieo chữ thương.

2-

NỮ: Người thương binh gập ghình trên đôi nạng gỗ, mà tăng gia sản xuất vẫn đi đầu.

NAM: Đội ngũ cán bộ luôn chăm khu vườn liêm khiết xanh màu.

NỮ: Người cao tuổi góp công bằng vận động, hiến đất làm đường xây cầu nối bờ vui.

NAM: Học sinh nghèo hiếu học đậu thủ khoa – đoàn viên thanh niên hăng say khởi nghiệp.

NỮ: Cây khuyết tật vẫn trổ hoa cho đời đẹp – cơ thể khiếm khuyết một phần chứ ý chí vẫn lành nguyên.

NÓI LỐI

NAM: Họ là những con người sống trên đất An Giang
Được soi tấm gương sáng ngời về đạo đức

NAM: Họ học và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực

NỮ: Của người được kế thừa, di sản vị cha chung.

VỌNG CỔ CÂU 5:

NỮ: Kế thừa lối sống bình dân của một vĩ nhân mà đời thường chân chất. Kế thừa tình yêu quê hương và Tổ quốc, dù hy sinh gian khổ vẫn không…

VỌNG CỔ

5-… lùi.

NAM: Họ đã góp công làm nên một An Giang với dáng vóc tuyệt vời.

NỮ: Bác của chúng ta tim đã không còn đập nữa – nhưng sự sống được ươm mầm bất diệt ở lòng dân.

NỮ: Bến nhà Rồng còn đó dấu chân, của thầy giáo Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước

NAM: Và còn đó một cuộc đời mộc mạc, của vị lãnh tụ dép râu áo vải nhà sàn.

LÝ MỸ TRÀ

NAM: Phố An Giang – cứ thênh thang – tầng cao níu trời

NỮ: Đồng An Giang – chiều mênh mang – hương lúa thơm bay

NAM: Quê thắm tình – trong dáng hình – bản đồ đất nước

NỮ: Đó Thất Sơn hùng vĩ – với bao kì bí
Bên sức người chung tay dựng xây.

(Về vọng cổ câu 6)

NAM: Quân dân An Giang mừng sinh nhật Bác
Bằng sự phồn vinh no ấm của quê mình.

NỮ: Quân luôn dốc sức vì dân
NAM: Dân yêu Tổ quốc cùng quân một lòng
NỮ: Tình người mãi ngọt như sông
NAM NỮ: Mát xanh trong vắt một dòng An Giang.

MỪNG SINH NHẬT BÁC
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Bản quyền © 2024 thuộc về tác giả Trần Ngọc Hoà. Các tác phẩm đã được đăng ký và bảo vệ quyền tác giả.