Bút danh: Hoa Hồng

Danh mục: Ca Cổ Trang 2 của 16

Ca Với Dây Rạch Giá

(Vọng cổ nhịp 16)

NGÂM THƠ:

Đêm lễ hội phố biển mình đẹp quá
Phía Đình thần dây Rạch Giá đã trỗi lên
Ai khua hồi trống vang rền
Loang loang kiếm bạc xướng tên anh hùng.

1-
Khắp nơi nô nức xa (gần)
Về đây viếng Đình (Thần)
Dự lễ giỗ (-) anh hùng kiếm bạc Kiên (Giang)
Nguyễn Trung Trực (-) khí phách hiên (ngang)
Trong lòng dân (-) người là anh hùng bất (tử).

2-
(-) (-) (-) (-) (-) (-)
Về dâng (hương) bày tỏ lòng (thành)
Người sống làm (tướng) chết làm (thần)
Về cùng (hoà) chung nhịp với Kiên (Giang)
Ôi nghĩa nhân (-) thơm bưng và ngọt (sớt)
Trong chén cơm (đình) trong ngụm nước tình (dân).

3-
(-) (-) (-) (-) (-) (-)
Nào về (đây) ca với dây Rạch (Giá)
Tài tử cất giọng (rồi) giai điệu Miền (Tây)
Da diết hào (hùng) trùng trùng khí (phách)
“Hoả hồng Nhật Tảo (-) oanh thiên (địa)
Kiếm bạc Kiên (Giang) khấp quỷ (thần)”*.

4-
(-) (-) (-) (-)
Lời ca dắt (ta) đi về phía cội (nguồn)
Và ta đã (nghe) tiếng lòng Rạch (Giá)
Trong sáu (câu) có tình yêu quê hương và nghệ (thuật)
Có đờn tranh, đờn kìm (-) phím lõm, song (loan)
Có phối (hợp) thang âm Bắc thang âm (Nam)
Mới nên dây Rạch (Giá) ngân vang trong lòng (người).

5-
(-) (-) (-) (-) (-) (-)
Ta nghe trong dây Rạch (Giá) một thông điệp để (đời)
(-) Sự phối (hợp) tuyệt (vời)
Quân và (dân) chung lòng chung (sức)
Cha ông đuổi (giặc) tuổi trẻ xây đắp quê (hương)
Làm nên một Rạch (Giá) phồn vinh, thanh (bình).

6-
(-) (-) (-) (-)
Đêm lễ hội (-) dòng người nô nức (quá)
Nào cùng ca (với) dây Rạch Giá bản tri (ân)
Ta nghe (-) cảm xúc trào (dâng)
Sáu câu vọng (cổ) rung ngân ngọt (ngào).

(-) Song loan gõ nhịp tự (hào)
Âm điệu dây Rạch (Giá) mãi dạt dào trong (ta).

CA VỚI DÂY RẠCH GIÁ
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Yêu Hoài Gương Mặt Nông Thôn

KHÓC HOÀNG THIÊN

Nói đồng đội nghe nè! Tui giờ đã trở thành một nông dân cựu chiến binh sản xuất giỏi, chính hiệu hai lúa miệt…quê
Cày sâu cuốc bẩm
Nơi cánh đồng – tên chó ngáp
Hì hục – mấy chục năm qua
Bán mặt cho đất – bán lưng cho trời
Lung bưng – nắng khét trưa phơi
Nụ cười chát mặn – mồ hôi
Đất này xưa – thân đầy vết trận
Mùa mưa dầm – phèn mặn hoá hoang
Còn mùa khô – nắng cháy da vàng
Toàn lau sậy – lác, năn
Nông dân – gánh khổ muôn phần
Mùa đau vì mùa chẳng đủ ăn.

Đồng đội mình ơi! Chỉ mới nhắc lại thôi lòng cũng đã rưng rưng bởi thương cái miền quê một thời cơ khổ. Nay nông dân cựu chiến binh tui nấu ba chén cơm bằng gạo Hồng Dân một bụi đỏ, rượu long nhãn rưới đất thơm mời đồng đội về mừng quê no ấm lên…

VỌNG CỔ

1-…đời.
Thiên nhiên phải chịu thua trước sự cần lao và trí tuệ của con người.
Phèn mặn lác năng đồng khô cỏ cháy, phải nhường chỗ cho hoa màu ruộng lúa vuông tôm.
Đường lem luốc sình lầy nay thay bằng đường bê tông, cầu khỉ cầu dừa thay bằng câu treo cầu đúc.
Diện mạo quê mình giờ bảnh lắm đồng đội ơi, đã chuẩn lắm rồi một nông thôn mới.

2- Nói hổng phải khoe chứ dân mình thiệt giỏi, giặc đến xâm lăng quánh cho cắm cổ chạy dài.
Hoà bình rồi quân dân lại chung sức miệt mài.
Sáng kiến đào kinh rửa phèn ngăn mặn, dẫn nước ngọt về tưới mát đất quê hương (-)
Nông thôn mới chuyển mình đánh thức những tiềm năng, mái ngói tầng cao mọc lên san sát.
Bên hạnh phúc ấm no còn một niềm tin khao khát, nông thôn vừa đẹp vừa giàu vừa rất văn minh.

TAM PHÁP NHẬP MÔN

Quân dân – mối tình bện chặt
Nhộn nhịp – mùa về cùng gặt
Hai vụ, vụ lúa vụ tôm
Kèm theo nào cua nào cá
Hương khóm – toả ngát tư bề
Rừng tràm kìa
Ai vun xanh
Hùn nụ cười – ta thâm canh
No múi – bưởi đeo quằn cành.

Đứng bên Ninh Thạnh Lợi A ngó qua Ninh Thạnh Lợi mà lòng cứ lâng lâng niềm vui dâng đầy mắt. Những cánh đồng tôm rộng dài tít tắp, hoa màu và nhà mới mọc lên lấp đi những vết trận của quê . . .

VỌNG CỔ

5- . . . này.
Mời về ngắm dáng quê mang tầm vóc dạn dày.
Ngắm gương mặt nông thôn tràn đầy sức sống, vừa mang nét kiên cường vừa lại rất thơ.
Thiệt chứ ngắm mà cứ ngỡ trong mơ, trước cỗi cằn vết nhăn hằn trên gương mặt.
Nay như thôn nữ dịu dàng e ấp, duyên dáng chân quê bắt mắt ưa nhìn.

6- Trong cái dáng quê hôm nay mang tầm vóc dạn dày kia, có dáng của cha ông vượt đạn bom lao mình về phía trước.
Và bao dáng nhà nông lưng cõng trời mặt đối đất, gánh nhọc nhằn qua miền lận đận gian nan.
Và biết bao gương mặt sạm sùi vì nắng gió đồng bưng, những gương mặt dầm gian nan già trước tuổi.
Ngụp lặn trong lung bàu lũng phèn lầy lội, để gương mặt nông thôn hôm nay đẹp tuyệt trần.

Tui đón đồng đội về bằng bình nước kinh Dân Quân
Về đi tỏ tình với quê, dìa úp mặt vào ngực đất
Tụi mình tuổi gậy dìu nhưng tình yêu quê hương đâu phân biệt
Trẻ hay già đều có quyền yêu.

YÊU HOÀI GƯƠNG MẶT NÔNG THÔN
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Thương Những Cánh Cò

NÓI LỐI

NAM: Ngày gió về giặt lụa trên sông
Em dẫn anh ra thăm cánh đồng lúa chín

NỮ: Hương quê hường đồng làm lòng ta xao xuyến
Anh nói: Chưa xa mà đã bịn rịn quê ơi!.

NAM: Em ơi! có phải nhà nông đã bón giọt mồ hôi vào trong từng thớ đất. Để cánh đồng Vĩnh Thuận lúa oằn bông trĩu hạt, mùa bội thu đi vào câu hát của quê…

VỌNG CỔ

1/-…này.

NỮ: Vùng đất năm xưa bom xối đạn cày.

NAM: Mặn nước mắt, mặn mồ hôi, mặn đất – nứt nẻ lòng đồng cây bạc lá vườn đau.

NỮ: Nhiễm mặn lời ru nhiễm mặn khúc ca dao, giấc trẻ thơ bong bóng nước cứ trôi vào.

NAM: Đêm trở mình giấc ngủ xanh xao – gió cũng vặn mình đau lo nào tả xiết.

CHIÊU QUÂN

NỮ: Bao năm dầm – trong lửa đạn
Hy sinh nhiều, nước mắt cạn

NAM: Rồi thiên tai hoạn nạn
Người nơi đây vẫn khí phách can trường

NỮ: Dân một lòng – quyết giữ quê hương
Thanh bình – chung tay xây dựng
Vượt qua bao gian khó để vươn mình.

(Về câu 2)

NAM: Cây trung liệt vẫn hướng trời xanh – địa chỉ đỏ còn đây mang sắc màu Ranh Hạt.

NỮ: Tình người nơi đây như hương tràm thơm ngát. Khí phách đi vào khúc nhạc quê hương.

HÒ NAM BỘ (vào vọng cổ)

NAM: Hò ơ…
Chắc Băng nước vẫn ngọt trong
Thì quê vẫn mở rộng lòng đón ta

NỮ: Tràm Ban Biện Phú vẫn đơm hoa
Thì bao nỗi nhớ ơ hò…hò ơ…
Thì bao nỗi nhớ vẫn diết da trong…

VỌNG CỔ

5/-…lòng.

NAM: Câu hò vút lên bên hương lúa hương đồng.

NỮ: Thương những cánh cò vì quê mà vỗ nhịp, bay trong câu hò trong khúc ca dao.

NAM: Nay sức sống tràn căng nông thôn mới tầng cao, quê mang nét tự tự hào trên gương mặt.

NỮ: Nông dân không chỉ bón mồ hôi vào đất, mà còn gieo hạt niềm tin để gặt bội thu về.

LÝ CON SÁO GÒ CÔNG

NAM: Quê bội thu rất nhiều lúa tôm
Bên nghĩa nhân luôn đầy – tình người thơm ơi là thơm
Ngắm dáng ai bên vườn sai trái quằn.

NỮ: Mời người dùng món quê thiệt quên
Đây mắm kho rau rừng – mà rằng ngon không thể chê

NAM: Mê quá mê cái mùi – dân dã đậm đà mùi quê
Ăn món quê ra về – nhớ mãi thương hoài, ngộ ghê.

(Trở về vọng cổ câu 6)

Câu hò ai buông bên dòng Chắc Băng lộng gió
Để chưa xa nỗi nhớ đã dâng nhiều.

NỮ: Nghĩa trang chiều đỏ thắm hoa công ơn
Nhang tưởng niệm cắm mé rừng Ban Biện Phú

NAM: Về đây thương những cánh cò
Bay bay da diết trong câu hò quê hương.

THƯƠNG NHỮNG CÁNH CÒ
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Rạng Danh Vùng Đất Anh Hùng

Song ca nam nữ

NÓI LỐI

Nữ: Những thước phim tư liệu đã kết thúc rồi
Mà mắt mình còn nhìn màn hình rưng rưng mãi

Nam: Sài Gòn – Gia định chiến công lừng lẫy

Nữ: Mình ơi! Mình nhớ đồng đội lắm có phải không?

PHỤNG HOÀNG (4 câu)

Nam: Đã bốn mươi lăm…năm
Mà vết thương vẫn lòng vòng trong cơ thể
Đồng đội nghĩa tình nỗi đau dâu bể
Cứ nghẹn thắt lòng, mỗi khi trời độ cuối xuân

Nữ: Miền hoài niệm lâng lâng
Ký ức ngày xanh lũ lượt rủ nhau về
Hoa chiến công nở hồng trên trang sử
Vùng đất anh hùng, Sài Gòn Gia Định thân yêu.

Nam: Mình ơi! Tôi không chỉ nhớ quắt quay những gương mặt héo gầy với bao nỗi đau thương ngày đất nước bị quân thù thôn tính. Mà tôi không thể quên cái hồn của Sài Gòn Gia Định trong chiến đấu chống ngoại xâm đuổi giặc giữ quê…

VỌNG CỔ

1/-…nhà. Lòng dân như rễ đước bám sâu vào nhân hậu thiệt thà.

Nữ: Hồn phố hồn quê hồn dân tộc, hoà với hồn người vì nước hy sinh.

Nam: Mỗi chiến công còn lưu dấu sử xanh, đây hàng cây kia góc phố đó con đường. Nhìn nơi nào cũng nhuốm đỏ máu xương, của những con người trái tim dâng Tổ quốc.

NGÂM DẶM.

Nữ: Vai em hãy dựa đi mình
Khóc ra, đừng có lặng thinh rạc người

Nam: Chiến tranh nay đã qua rồi
Vết thương còn đó ỉ ôi tội tình.

2/-
Nữ: Sài Gòn Gia định là máu thịt của Miền Nam đất nước, thành đồng Tổ quốc là đây buất khuất tự hào. Những căn cứ giữa lòng dân đâu dễ quên nào.

Nam: Từ người mẹ Bàn cờ đến cô sinh viên yêu nước, từ lớp nghèo thành thị đến trí thức doanh nhân.

Nữ: Chị vựa củi, anh xích lô, chủ hãng nhựa, hãng sơn

Nam: Cụ bán báo em đánh giày cũng biến thành chiến sĩ.

Nữ: Quả mít, chiếc cà ràng cũng là nơi giấu vũ khí, một sức mạnh kết đoàn của ý Đảng lòng dân.

LÝ BÔNG DỪA

Nam: Phố cờ rộn bước chân người
Miền Nam giải phóng hoa tươi nắng cười đoàn viên

Nữ: Giờ đây đã mấy mươi năm rồi
Sao vẫn bồi hồi nhớ đồng đội ngày xanh xưa

Nam: Ngồi xem những thước phim xưa
Kìa trong địa đạo đồng đội kề vai thương.

Nữ: Mỗi khi những giọt nắng cuối ngày của tháng tư còn bịn rịn ngần ngừ chưa muốn giã từ mái phố. Là những xanh xưa cứ ùa về lủ khủ những gương mặt kiên trung cảm tử hoá anh…

VỌNG CỔ

1-…hùng. Những hiểm nguy gian khó trùng trùng.

Nam: Những biệt danh “Chim sắt “Đồng Đen” “Con thoi sắt”…Và “đội quân không quân phục” trụ vững giữa lòng dân.

Nữ: Bao trận đánh xuất quỷ nhập thần, giữa lòng Sài gòn khiến quân thù bạt vía. Quân với dân cùng nhìn về một phía, đuổi xâm lăng dành thắng lợi hoà bình.

6/- Nam: Không có lòng dân thì đâu có một địa đạo Củ Chi, đâu có những căn hầm giữa lòng thành phố. Người ngã xuống mộ vô danh mộ mất họ, người sáu lần bị cưa chân mà quyết tử chẳng khai.

Nữ: Mình cứ khóc ra đi cho thoả nỗi tức tưởi bao ngày, khóc đứa ăn lá bứa thay cơm dầm lung sốt chết.

Nam: Khóc cô gái tải lương mà đói xanh xao vàng bệt, khóc người mở đường hy sinh mà xẻng vẫn ôm ghì.

Nữ: Sài Gòn Gia định trang sử mãi còn ghi
Vùng đất anh hùng rạng danh muôn thuở

Nam: Góp phần cho đại thắng mùa xuân làm nên lịch sử

Nam/Nữ: Nam Bắc lạc liền một giải non sông.

RẠNG DANH VÙNG ĐẤT ANH HÙNG
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Thông Điệp Từ Dây Rạch Giá

NGÂM THƠ

Đêm lễ hội phố biển mình đẹp quá
Phía Đình thần dây Rạch Giá đã trỗi lên
Ai khua hồi trống vang rền
Loang loang kiếm bạc xướng tên anh hùng.

1-
Khắp nơi nô nức xa (gần)
Về đây viếng Đình (Thần)
Dự lễ giỗ (-) anh hùng kiếm bạc Kiên (Giang)
Nguyễn Trung Trực (-) khí phách hiên (ngang)
Trong lòng dân (-) người là anh hùng bất (tử).

2-
(-) (-) (-) (-) (-) (-)
Về dâng (hương) bày tỏ lòng (thành)
Người sống làm (tướng) chết làm (thần)
Về cùng hoà (chung) nhịp với Kiên (Giang)
Ôi nghĩa nhân (-) thơm bưng và ngọt (sớt)
Trong chén cơm (đình) trong ngụm nước tình (dân).

3-
(-) (-) (-) (-) (-) (-)
Nào về đây (ca) với dây Rạch (Giá)
Tài tử cất giọng (rồi) giai điệu Miền (Tây)
Da diết hào (hùng) trùng trùng khí (phách)
“Hoả hồng Nhật Tảo (-) oanh thiên (địa)
Kiếm bạc Kiên (Giang) khấp quỷ (thần)”*

4-
(-) (-) (-) (-)
Lời ca dắt (ta) đi về phía cội (nguồn)
Trong dây Rạch (Giá) ta nghe tiếng lòng Rạch (Giá)
Âm điệu sáu (câu) đi vào lòng người mộ (điệu)
Có đờn tranh đờn kìm (-) phím lõm song (loan)
Sự hợp phối âm (hoà) thang âm Bắc & (Nam)
Để dây Rạch (Giá) ngân vang trong lòng (người).

5-
(-) (-) (-) (-) (-) (-)
Dây Rạch (Giá) thông điệp để (đời)
(-) Bản sắc tuyệt (vời)
Cha ông đuổi (giặc) tuổi trẻ chung tay xây (đắp)
Sự phối hợp nhịp (nhàng) ý Đảng và lòng (dân)
Mới nên một Rạch (Giá) phồn vinh mạnh (giàu).

6-
(-) (-) (-) (-)
Đêm lễ hội (-) dòng người nô nức (quá)
Nào cùng ca (với) dây Rạch Giá bản tri (ân)
Ta nghe (-) cảm xúc trào (dâng)
Sáu câu vọng (cổ) rung ngân ngọt (ngào).
(-) Song loan gõ nhịp tự (hào)
Thông điệp dây Rạch (Giá) mãi dạt dào trong (ta).

THÔNG ĐIỆP TỪ DÂY RẠCH GIÁ
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Tiếng Trống Đêm Và Hồi Kẻng Biên Phòng

NGÂM THƠ

“Gió cuốn trời cao mây lạnh lùng
Sông dài mây toả khí anh hùng
Lâu thuyền dải bóng trăng sương lạnh
Trống mỏ cầm canh sóng nước trong…”

Là tiếng gió ru ngân hay tiếng của tiền nhân vọng về trong câu thơ họ Mạc. Viễn biên đêm cỏ hoa xào xạc trăng rằm giêng treo vọng gác biên…

VỌNG CỔ

1-…phòng.
Giang Thành nay còn lưu dấu anh hùng.
Tiếng trống đêm khua giữ yên bờ cõi, thơ sa trường giục ý chí bừng lên.
Trời tây Nam toả khí hùng thiêng, vó câu tung ngựa hí vang rền.
Gió bụi biên thuỳ kiếm tuốt oai phong, trấn biên cương giữ núi sông bền vững.

NGÂM THƠ

“Kim giáp đã nhờ đêm chặt chẽ
Cẩm bào cho được chốn thung dung
Lược thao đem đáp tình minh chúa
Nước Việt biên thuỳ vững núi sông”.

2/- Khúc vọng của tiền nhân trong “Giang Thành dạ cổ, nuôi lớn hùng tâm nhiệt huyết dâng đầy.
Sông chảy dòng kiên đất dậy thớ dạn dày.
Kinh Vĩnh Tế đỏ dòng trong ký ức, thuở chiến tranh thao thức với sông Giang.
Mắt biên thuỳ toả ánh trường can, đồng cỏ bàng gót anh hùng còn in dấu.
Để hôm nay nơi này bao cánh sếu, vũ khúc xum vầy trong nắng ấm bình yên.

LÝ SON SẮT

Đêm mắt đêm Giang Thành
Nay ánh lên bao tình
Là tình người sắc son
Sông núi và nước non
Sóng nước như reo cười
Giang Thành ơi dáng quê tuyệt vời
Phú Mỹ đêm trăng vàng
Làn gió hôn đắm say bờ quê
Kìa thoăn thoắt tay đan bàng
Giọng cười vang trên áo loang mồ hôi.

Sông chảy về đâu mà nỗi nhớ giao nhau giữa ngã ba chiều vương nắng. Nước Vĩnh Tế ai lắng? nước Giang Thành ai gạn? mà dòng cứ mênh mang khoe trong vắt giữa mây…

VỌNG CỔ

5-…trời.
Bồi bởi phù sa nên sông ngát hương đời.
Đất và người nơi đây cùng nhịp thở, dù mưa nắng kiệt cùng vất vả can qua.
Xưa cây lúa ngậm phèn nay lúa hát tình ca, xưa đất nẻ bàn chân nay trổ hoa màu mỡ.
Xưa đuổi giặc biên cương thương Giang Thành Dạ Cổ
Nay biên giới bình yên yêu tiếng kẻng biên phòng.

5/- LÝ NĂM CĂN
Miền biên lúa hát tình ca
Cò quê xoãi cánh bay xa
Cõng nắng bay trong bao la
Vào ra ước mơ vỗ nhịp
Về đêm sông nước dạo chơi
Xuồng trăng khép mắt nằm phơi
Mơ giấc tiền nhân
Kiếm múa một thời.

(Về xề câu 6)
Hồi kẻng đồn biên nay và tiếng trống đêm xưa ấy
Đã đi vào thơ ca và bài vọng cổ ngọt mùi.

Tiếng trống đêm xưa xua giặc giữ biên thuỳ
Thì tiếng kẻng nay cũng rộn lên hồi cảnh báo
Rằng mắt biên phòng vẫn niềm tin nung nấu
Trấn Giang Thành giữ non nước bình yên.

Chú thích.
* Bài thơ Giang Thành dạ cổ của Mạc Thiên Tứ
** Tiếng trống đêm Giang Thành.

TIẾNG TRỐNG ĐÊM VÀ HỒI KẺNG BIÊN PHÒNG
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Tiếng Chổi Xưa

NÓI LỐI

Con trở về nơi đây vào một đêm trăng tròn vành vạnh
Rảo gót trên con đường có lá me bay
Tiếng chổi người công nhân trong đêm nay sột soạt
Gợi nhớ tiếng chổi người phu xưa đêm bóng trăng gầy.

Con đi giữa tiết trời tháng ba khi nàng xuân còn vương vấn chưa muốn rời xa thành phố mang tên người lãnh tụ dép râu áo vải. Bởi nàng xuân còn muốn ngắm nhìn mê mãi mùa lá me bay bên những nụ môi…

VỌNG CỔ

1-…cười.
Thành Phố Hồ Chí Minh! Thành phố của niềm tin chân lý rạng ngời.
Không chỉ có những ngôi nhà ngước nhìn mỏi mắt, mà còn có những con đường xanh mát bóng me.
Phố rộn ràng tấp nập người xe, khối óc bàn tay chung sức dựng xây đời.
Lòng bỗng bồi hồi nhớ mùa lá me bay, của đêm trăng gầy soi bóng người phu quét rác.

DẠ KHÚC (đoạn đầu)

Đêm những đêm – gió mưa ướt mèm
Lá me rơi đầy trên tóc – phố rưng rưng thương người muốn khóc
Cong mình trước gió, chổi quét lưng bườn
Sạch từng góc phố, để bước ta tung tăng trên đường.

2- Người phu của những năm Sài Gòn chưa giải phóng, của những năm Bắc Nam chia cắt đôi đường.
Người phu gối đã rệu lưng đã cong vẫn làm đẹp phố phường.
Trong chiếc thùng kia phía trên là rác, dưới là đạn dược là thuốc là bông băng.
Của người yêu nước góp sức giữ quê hương, của một ước mơ ngày hoà bình thống nhất.
Tiếng lá me bay rơi vào miền ký ức, âm thanh vọng vào nối nhớ niềm thương.

DẠ KHÚC (đoạn cuối)

Nay dáng me phố xưa đã già
Gió lay giữa mùa trút lá – tiếng chổi xưa bốn bề nhớ quá
Tiếng quét rác đêm giữa đêm về mưa về
Tiếng tra khảo dùi cui kìa
Mẹ già nào khai, thuốc này súng này của ai?
Máu rơi rồi, người phu ngã quỵ
Thôi rồi còn chi – me đôi hàng mặc niệm sầu bi.

(Trở về câu 6)

Biết bao hy sinh để hôm nay ta có
Một thành phố văn minh hạnh phúc đẹp giàu.

Nay đi dưới bóng trăng đầy
Con đường có lá me bay năm nào
Lòng nghe trỗi khúc tự hào
Quắt quay tiếng chổi năm nào mẹ ơi!.

TIẾNG CHỔI XƯA
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Mưa Quê

NGÂM THƠ

Mưa Quê rụng lá bần xanh
Vạt buồn ai vắt trên cành đong đưa
Câu hò thả giữa sông trưa
Để hai góa phụ đêm mưa nhớ chồng.

Mưa ướp gì trong sông, mà lũ rô đồng quẫy mình thương nhớ. Mái dầm khua chuyện tình dang dở để lòng ai nức nở nợ duyên…

VỌNG CỔ

1- …mình.
Má giấu nước mắt vào mưa hoài niệm một cuộc tình.
Lũ rô đồng lóc bờ tìm nơi sinh sản, để má nhớ ngày vượt cạn mình ên.
Giữa đồng bưng bông súng nở tím hiền, có người mẹ trẻ bấu mép xuồng mím môi rặn đẻ.
Con trai vừa bập bẹ tiếng gọi cha, tin xa đưa về chồng hy sinh nơi chiến tuyến.

NGÂM DẶM

Mẹ ngồi tựa gốc bần quê
Nhớ chồng khóe mắt dầm dề lệ tuôn
Mưa về nhớ lại trổ thương
Để hai góa phụ nỗi buồn nhân đôi

2- Bần nở trên sông rịm buồn nên thêm tím, bìm bịp nghe tin ngất lịm giữa câu hò. Lướt khướt biền lau xao xác một cánh cò.
Má vừa nuôi con vừa tiếp tế, con khôn lớn nên người lại lên đường tiếp bước cha anh.
Nhớ mùa ấy bần đậu trái trĩu cành, Má dụm dành sắm cho dâu chiếc áo ngày coi mắt. Áo cô dâu màu thủy chung màu son sắt, màu dịu dàng màu của bông bần quê.

LÝ TRĂNG SOI

Đêm nằm nghe mưa rớt bên thềm
Hương bần đong đưa gió ru êm đềm
Đôi vòng tay ôm áo quê nâu sờn
Tay tìm tay mà nghe đêm thở rưng rức triền sông
Mà nghe da diết mênh mông
Thu đang về má nghe giá lạnh ngỡ tràn đông.
Mưa đêm nay chui liếp cửa nhà ai để lạnh mềm vai hai góa phụ. Nói gì mưa ơi mà nhớ ùa lủ khủ phía mẹ nghiêng trăn trở rủ nhau…

VỌNG CỔ

5-…về.
Phía dâu nghiêng nước mắt cũng dầm dề.
Ngủ đi con ngoài kia thu nhớ chồng thu khóc, trong này má con mình nước mắt cũng dầm mưa.
Con mà buồn thì tim má cũng rêm cưa, con dâu đội tang chồng má vật lòng nức nở. Đàn bà truân chuyên phần duyên lỡ, còn truân chuyên thêm thêm nợ nước tình nhà.

6- ĐIỆU RU CON

Gió vít vít cành tre
Gió chuyền chuyền cành me
Mẹ ru mà dâu ngủ
Dâu ngủ ngoan hiền
Mưa đổ bên thềm
Gió nấc nấc bờ ao
Gió lùa lùa niềm đau
Thương dâu con vất vả bao ngày
Chăm mẹ cho chồng đi đánh giặc nơi xa
Chồng hy sinh không về đời góa phụ bôn ba.

(Về xề câu 6)

Má khuyên dâu nên đi thêm bước nữa
Nhưng con sợ không ai chăm sóc mẹ chồng.

Mưa về tưới lúa no đồng
Để cho nỗi nhớ mặn nồng thêm lên
Hương bần thoảng thoảng bung biêng
Hai nỗi nhớ – một nỗi niềm riêng chung.

MƯA QUÊ
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Vườn Hoa Y Đức

NGÂM THƠ

Thiên thần áo trắng lòng y đức
Tâm sáng tình trong dạ thiện nhân
Cần Thơ xuân mới tràn hạnh phúc
Viên ngọc Tây đô đẹp trong ngần.

Chị chỉ tay về phía tấm biển đề “Bệnh viện phụ sản Thành phố Cần Thơ”
Rồi chị rối rít xuýt xoa trong ấy có cả một vườn hoa y đức
Hoa được bồi chăm bởi tình người và tri thức nên mùi hương ấm áp thơm…

VỌNG CỔ

…lừng.
Chị nghe nhịp tận tâm đập đều đặn không ngừng.
Đêm giao thừa nhà nhà vui đón tết, những thiên thần áo trắng vẫn tất bật với bệnh nhân.
Ngoài kia pháo hoa rộn rã chào xuân, trong này mắt lương y thiếu ngủ thâm quần
Cùng những bà bầu vượt cạn thâu canh, đón tiếng khóc chào đời của những sinh linh bé nhỏ.

RU DẶM

À ơi…“Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình”
Nơi đây thầy thuốc đồng hành
Sản phụ, chẳng thấy một mình mồ côi.

Thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, bỗng oa oa…tiếng trẻ khóc chào đời.
Mắt người mẹ ánh lên tia hạnh phúc rạng ngời.
Xung quanh chị là những ánh nhìn ấm áp, chị cảm nhận được nụ cười sẻ chia bên trong lớp khẩu trang.
Bao đau đớn trong ca sinh khó bỗng biến tan, khi tay lương y đan mềm tay sản phụ
Bàn tay ấy đã truyền cho chị thêm sức mạnh, để cuộc đồng hành vượt cạn thành công.

LÝ MỸ TRÀ

Những bông hoa ngát hương xa tình thêm thắm tình
Trời Tây Đô đẹp mộng mơ trong khúc dân ca
Xuân thắm nồng, bên những tấm lòng thiện lành y đức
Ngắm những thiên thần ấy, để ta lòng thấy
Yêu lắm cuộc đời…chứa chan niềm tin.

Chị mỉm cười thật tươi đặt tay lên bụng mình rồi nhẹ nhàng thỏ thẻ. Chị sẽ tiếp tục sinh cháu thứ hai nơi này, nơi xứng đáng để gửi trọn niềm tin của bệnh nhân và thai phụ bởi tấm lòng thầy thuốc nơi đây nhân ái chân…

VỌNG CỔ

5- … tình.
Họ thầm lặng hy sinh cống hiến quên mình.
Xứng đáng với câu lương y như từ mẫu, hết lòng tận tuỵ vì sức khoẻ của bệnh nhân.
“Niềm nở – tận tình – chu đáo” là phương châm, chữa trị, cứu người, là sứ mệnh của người thầy thuốc.
Ôi trân quý sao những tấm lòng y đức, được bồi chăm vun bón bởi tình người.

6/- VĨ PHI VÂN ĐIỆP KHÚC

Nắng…nắng xuân lên rồi
Niềm hạnh phúc
Nở trên môi người
Vườn y đức
Ngát hương bên đời
Thương tình thương dâng tràn trong trái tim
Như dường như trong lòng yêu quý thêm.

(Về xề câu 6)

Xin được tri ân những thiên thần áo trắng
Những bông hoa y đức ngát hương tình.

“Bệnh viện phụ sản thành phố Cần Thơ” nơi gửi gắm niềm tin
Nơi đem tia sáng đầu đời cho những sinh linh bé nhỏ
Nơi tiếng khóc chào đời và nụ cười sản phụ
Là niềm hạnh phúc ngọt ngào của người thầy thuốc nhân dân.

VƯỜN HOA Y ĐỨC
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Yêu Sao Chiếc Áo Bà Ba

HÒ NAM BỘ

Hò ơ…
Gió nam non thổi mòn con nước
Để bông bồn bồn rụng trắng đồng cha
Thương sao chiếc áo bà ba
Dịu dàng chân chất
Hò ơ…
Dịu dàng chân chất mặn mà dễ thương.

Anh rất thích nhìn em trong áo bà ba kể cả lúc ở nhà hay đi xóm. Lắc lẻo cầu tre nghiêng vành nón hồn phương nam theo dáng ai…

VỌNG CỔ

1-…về.
Mộc mạc chân quê để thương nhớ bộn bề .
Thích tay ráp lăng thích cổ tròn lăn lẳn, thích hai nét sẻ tà nửa chắn nửa khoe.
Đằm thắm mặn mòi da diết cái duyên quê, đường cong ai vờn gió tung tà.
Thích nhất là sau trước bốn ben, ôm sát vào thân để ngực căng tròn áo.

VĨ PHI VÂN

Dáng…dáng ai qua cầu, gợi nhớ
Thiết tha tình đầu, ngày ấy – ngẩn ngơ thương hoài
Áo bà ba – trong gió chiều bay bay
Tóc dài buông – để lòng ngất ngây.

2. Hãy giữ dùm anh nét chân quê đồng nội, giữ dùm anh bổi hổi một hương đồng. Giữ dùm anh son sắc mặn nồng.
Áo bà ba xưa của các mẹ các bà các chị, lúc kiên cường lúc thuỳ mị đoan trang. Khôngnhư áo dài cố đô duy dáng, lại sang, không sắc màu như áo tứ thân Kinh Bắc
Nhưng áo bà ba vô cùng mộc mạc, đằm thắm dịu dàng mang đậm nét chân phương.

VỌNG KIM LANG

Yêu lắm quê hương – trong khúc ca thanh bình
Lúa trĩu bông vàng đồng, nụ cười nở như màu hoa
Nón lá nghiêng bên chiều đẹp mặn mà dáng ai bà ba
Sắc màu: đỏ, hồng, nâu, vàng, xanh, tím…
Cổ tim cổ tròn, làm duyên cho đất phương Nam
Tím sim tím mua hay hồng, này bông dừa với bông bần quê
Thướt tha bay bay trên đồng, mùa gặt về với bao niềm vui
Đẹp sao một bức tranh quê, đến đây thấy lòng đê mê
Câu hò ngọt ngào ngân nga – thương dáng ai áo bà ba.

Hồn quê trong chiếc áo bà ba như mời gọi ta tìm về cõi nhớ. Bóng áo bà ba đen băng mình trong đạn lửa, để khí phách phương Nam rạng rỡ mãi muôn…

VỌNG CỔ

…đời.
Nội kể : lần gặp gỡ đầu tiên nội đã thương rồi.
Thương cô gái miền nam móng đóng phèn chân chất, áo bà ba khăn rằn để ngây ngất một trời thơ.
Rừng đước rừng dừa cũng da diết ngẩn ngơ, nón tai bèo tay chèo tay súng.
Má hồng lên dưới ông mặt trời đỏ lựng, để anh bộ đội thầm thương thương cả lối đi về.

NGÂM DẶM
Nét quê em hãy giữ dùm
Cho anh ngây ngất giữa chùm yêu thương

Anh vẫn ưa ngắm nhìn em trong áo bà ba, kể cả lúc ra đồng hay dạo phố.
Ưa nét chân phương của đồng bằng Nam bộ, đi với tảo tần chịu khó chịu thương.
Dáng ai thấp thoáng bên đường
Áo bà ba để vấn vương cho người
Hồn phương Nam đó em ơi!
Quê mùa giản dị mà muôn nơi tìm về.

Là duyên dáng vùng miền là hồn việt tâm quê
Ai đi xa hễ thấy áo bà ba là phương nam dâng mắt nhớ
Dù cơn lốc thời trang có ùa về kiêu sa rực rỡ
Anh vẫn yêu em hoài trong dáng áo bà ba.

YÊU SAO CHIẾC ÁO BÀ BA
Tác giả Trần Ngọc Hoà

Bản quyền © 2024 thuộc về tác giả Trần Ngọc Hoà. Các tác phẩm đã được đăng ký và bảo vệ quyền tác giả.